Các thế hệ trẻ Việt Nam đang đứng trước hai chuyển động lớn của thế giới, là chuyển động toàn cầu hoá và chuyển động của Cách mạng Công Nghiệp lần thứ 4 (sau đây viết tắt là IR4.0). Nếu trước đây mọi cái mới đều bắt đầu từ các quốc gia đã phát triển và lan dần sang các quốc gia đang phát triển thì thế kỷ 21 của thế giới phẳng đã xoá đi mọi ranh giới địa lý, không gian và thời gian. Một phát minh mới từ bất cứ ngóc ngách nào của thế giới giờ đây đều có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ, có khi là tái định nghĩa bất kỳ ngành nghề hay khái niệm nào đang tồn tại. Thế kỷ 21 được mệnh danh là thế kỷ lạ, vì sự bất ngờ không lường trước, vì tính bất định của tương lai do khoa học công nghệ và thế giới số tạo ra.
Đứng trước hai chuyển động lớn này, để bản thân có thể hội nhập, để cộng đồng trẻ Việt Nam có thể xây dựng vị thế trên trường thế giới, người trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên cần tập trung vào ba mục tiêu phát triển như sau:
– Trở thành công dân toàn cầu
– Cập nhật kiến thức công nghệ & kỹ năng thế kỷ 21
– Rèn luyện phẩm chất làm người
1. Trở thành công dân toàn cầu
Ngày nay, bất kỳ ai trong chúng ta sinh ra đều đã là công dân toàn cầu, có khả năng tác động và chịu tác động của tất cả những vấn đề chung của thế giới như môi trường, thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển đổi số, kinh tế đám mây, vv. Vì vậy, người trẻ cần định vị bản thân là công dân toàn cầu, quan tâm, đóng góp, và tạo ảnh hưởng đến các vấn đề chung của thế giới từ vị thế quốc gia. Xây dựng tầm ảnh hưởng cho quốc gia chính là việc xây dựng tầm ảnh hưởng của cộng đồng trẻ Việt Nam đối với các vấn đề chung mà cộng đồng trẻ thế giới đang cùng quan tâm giải quyết. Người trẻ vì vậy cần có kiến thức về thế giới, về các vấn đề chung của thế giới (ví dụ như 17 mục tiêu phát triển của Liên Hiệp Quốc), và chủ động xây dựng các chương trình hành động liên quan mang tầm quốc gia, khu vực.
2. Cập nhật kiến thức công nghệ & kỹ năng thế kỷ 21
Để có thể hoàn thành mục tiêu trên, đồng thời xây dựng được cho quốc gia trở thành quốc gia khởi nghiệp, với nền kinh tế sáng tạo bền vững, có vị thế trên trường quốc tế, người trẻ cần trang bị cho bản thân vốn kiến thức khoa học công nghệ cập nhật nhật, với những kỹ năng thế kỷ 21 cần thiết nhất. Kiến thức cập nhật về công nghệ, cùng với hướng dẫn cập nhật kiến thức hàng ngày tôi đã viết trong cuốn Nym – Tôi của tương lai. Đây là quyển sách được mệnh danh là sách giáo khoa thế kỷ 21, cung cấp bức tranh toàn cảnh và kiến thức nền về khoa học công nghệ mới nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam. Ngôn ngữ mới của thế kỷ 21 không đơn thuần là tiếng Anh, tiếng Hoa. Ngôn ngữ của thế kỷ 21 là những ngôn ngữ công nghệ như AI – trí tuệ nhân tạo, machine learning – máy học, blockchain – công nghệ chuỗi khối, IoT – mạng lưới vạn vật kết nối, hay VR – công nghệ thực tế ảo, AR – công nghệ thực tế tăng cường, vv. Nếu người trẻ không hiểu những khái niệm cơ bản này của thế giới mới, không có khả năng ứng dụng được những công nghệ mới này vào việc tạo ra các giải pháp mới cho quốc gia và thế giới, bạn đang hoàn toàn bị bỏ lại phía sau trên hành trình cả thế giới hàng giờ đang tiến về phía trước.
Ngoài những kiến thức khoa học công nghệ mới như trên, một phần không thể thiếu đối với người trẻ là việc rèn luyện những kỹ năng thế kỷ 21 giúp các bạn trụ vững, tìm ra giải pháp và phát triển trong một tương lai bất định. Bốn nhóm kỹ năng nền tảng mà Liên Hiệp Quốc và Diễn đàn kinh tế thế giới thường xuyên nhắc nhở, chia sẻ, khuyến khích người trẻ rèn luyện bao gồm: tư duy phản biện và khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng cộng tác, và cuối cùng là kỹ năng giao tiếp. Tất cả những kỹ năng này, cách và công cụ rèn luyện tôi đã hướng dẫn rất chi tiết trong quyển sách “Tôi, Tương lai, và Thế giới”.
Ngoài ra, trong hiện thực cách mạng công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt mỗi ngày, một trong những cách tiếp cận quan trọng nhất đối với người trẻ là khả năng học cả đời, bằng cách học và cập nhật mỗi ngày, đa kênh.
3. Rèn luyện phẩm chất làm người
Trong thế giới trỗi dậy của máy, của trí tuệ nhân tạo, của robot, loài người chúng ta phải đối mặt với một vấn đề vô cùng nan giải, đó là liệu chúng ta có còn là loài sẽ làm chủ thế giới này? Nếu AI đã có thể sáng tạo, quản trị, nếu IoT đã kết nối và cho phép các thiết bị đầu cuối nói chuyện và tương tác với nhau, liệu con người có còn là công dân hạng nhất hay một ngày không xa sẽ trở thành robot hạng hai, chịu tác động của loài siêu việt AI hay loài siêu việt nửa người nửa máy?
Đứng trước vấn nạn chung của thế giới và cũng là vấn nạn của từng quốc gia về sự tồn vong của văn minh nhân loại, có lẽ đã đến lúc mỗi người trẻ chúng ta cần tự hỏi mình, hỏi thế hệ mình về những phẩm chất giữ cho mỗi chúng ta rất người, rất khác xa robot và có thể là vũ khí duy nhất giúp loài người tránh được hoạ diệt vong. Phẩm chất người trong thời đại máy là sáu nhóm phẩm chất tôi đã hướng dẫn rất rõ trong cuốn “Tôi, Tương lai, & Thế giới” bao gồm tính hiếu học, khả năng phát kiến, lòng dũng cảm & kiên trì, khả năng linh hoạt, khả năng lãnh đạo, nhận thức xã hội & văn hoá.
Bên cạnh đó, sự thấu cảm và tình yêu thương, tài sản lớn nhất mà tạo hoá ban cho con người cần phải được chúng ta trân trọng, sử dụng, rèn luyện và chia sẻ mỗi ngày để đảm bảo chúng ta vẫn mãi mãi là người, không bị mai một hoặc biến thành robot.
Bài viết của chị Nguyễn Phi Vân – cố vấn, diễn giả của Lead The Change