Chấp nhận chính là bước đầu tiên trong hành trình thay đổi. Chấp nhận rằng bản thân mình có những thiếu sót – nhưng không trách móc chính mình, mà yêu thương lấy những điểm không hoàn hảo đó để cùng nó thay đổi.
Càng đọc nhiều bài viết self-help, chúng ta càng dễ nhận ra nhiều thiếu sót ở bản thân mình. Đâu đó là những lời ẩn ý rằng: “Bạn ở hiện tại là một phiên bản rất tệ.”
Chính vì thế, điều đó không ngừng khiến bản thân chúng ta tìm kiếm sự công nhận từ thế giới bên ngoài, để rồi đâu đó trên hành trình phát triển bản thân, chúng ta vô tình đánh rơi mất cá tính riêng của riêng mình, quên mất cách phản biện lại với những lời “góp ý” được cho là đầy thiện chí xung quanh mình. Những điều đó đôi lúc sẽ khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt về thế giới, như quả bong bóng đang căng tràn chỉ chờ ngày phát nổ.
Có một nghịch lý rằng ngoài kia có rất nhiều những tựa sách giúp đỡ bạn phát triển (bao gồm cả bài viết này) nói rằng bạn cần phải hành động, phải thay đổi. Mong muốn biến đổi mình càng nhanh, chúng ta sẽ càng dễ bỏ quên đi một thứ gia vị đầy ngọt ngào mang tên “Lòng trắc ẩn” – thứ gia vị khiến cho cuộc sống dịu đi vị cay nồng đến từ những áp lực vô hình mang tên “Hoàn hảo”.
1. EM NGHĨ MÌNH CHƯA ĐỦ TỐT
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong thời đại 4.0, nhịp sống không ngừng quay cuồng và đòi hỏi mỗi ngày sau chúng ta phải bản lĩnh hơn. Có quá nhiều chữ “phải” trên hành trình trưởng thành để rồi đôi khi, chúng ta quên mất mình NÊN làm gì.
Bởi vì càng lớn chúng ta càng nhận ra rằng, thế giới người lớn đầy rẫy những điều áp lực và phức tạp – càng lớn càng nhận ra, chỉ giỏi thôi là chưa đủ, khả năng đứng dậy sau những thất bại càng nhanh càng tốt mới là điều quan trọng.
Chúng ta bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn – rời xa không gian quen thuộc để bước vào một thế giới đầy những điều khó lường. Nếu không đủ tỉnh táo, chúng ta rồi sẽ khiến thế giới bên trong mình loạn xạ lên bằng cách không ngừng bắt chính mình phải thay đổi.
Thất bại, thất vọng, thất tình, thất nghiệp đều là những nỗi ám ảnh khó tránh khỏi trong cuộc sống của mỗi người. Bởi vì cho dù chúng ta có tài năng hay thông minh như thế nào thì vào một thời điểm nào đó sẽ đều gặp rắc rối, vấp ngã và thất bại. Điều khác biệt là làm sao để chúng ta có thể đứng dậy sau tất thảy những cú ngã đấy.
2. EM NGHĨ MÌNH PHẢI NGHIÊM KHẮC VỚI BẢN THÂN HƠN
Chúng ta thường được khuyên rằng mình cần phải kỷ luật với bản thân hơn, vì càng khắt khe với mình, thì cuộc đời càng dễ dàng hơn. Nhưng…
Có khi nào bạn từng cảm thấy mệt mỏi và bế tắc với việc cố nghiêm khắc với chính mình?
Có khi nào bạn từng cảm giác như những lời khuyên đó vốn chẳng còn có nhiều giá trị với chính mình?
Nếu bạn từng một lần cảm thấy bản thân mình thật tệ vì đã không “khắt khe” và tuân theo những “quy tắc” mình đặt ra như:
Lỡ uống một ly trà sữa ngay sau bữa tối trong giai đoạn ăn kiêng chẳng có gì đáng xấu hổ, nhưng lại khiến nhiều người cảm thấy bản thân mình thật tệ.
Một phiên bản méo mó về chính mình được dựng nên trong trí tưởng tưởng rằng hành động đó thật tội lỗi, vớ vẩn “Người ta có thể giảm cân thành công, tại sao mình thì không?” Để rồi bạn đánh mất động lực để có thể đứng dậy và tiếp tục ăn kiêng.
Vô tình quên một buổi tập gym khi bạn đang cảm thấy kiệt quệ về cả tinh thần và thể lực sau một ngày làm việc mệt nhoài chẳng phải là vấn đề quá to tát.
Chính sự đổ lỗi và dằn vặt rằng bản thân mình quá yếu đuối và không có sự nghiêm túc đã dẫn đến việc bạn quên mất cách tạo động lực cho bản thân mình đứng dậy đi tập vào ngày mai. Càng nhiều sự dằn vặt, càng nhiều cảm giác tội lỗi sục sôi bên trong mình, càng thấy mình tệ, càng không biết làm sao để thoát ra khỏi chiếc bẫy cảm xúc này.
3. EM NGHĨ MÌNH CẦN PHẢI YÊU THƯƠNG MÌNH HƠN, NHƯNG BẰNG CÁCH NÀO?
Chúng ta thường được dạy rằng nên hạn chế sai lầm, ở trường, mỗi khi sai chúng ta liền bị trừ điểm. Điều đó vô hình chung dạy chúng ta rằng: “Để được điểm cao, mình cần luôn làm đúng.” Chính điều này đã tạo nên sự khó khăn trong việc chấp nhận rằng:
Bạn được phép phạm sai lầm, chỉ là đừng lặp lại nó lần thứ 2.
Việc chấp nhận rằng bản thân mình không hoàn hảo chính là một phần trong hành trình trưởng thành. Nếu bạn đang cảm thấy bản thân mình thật tệ và không ngừng cảm thấy có lỗi với chính mình, thì hãy thử đọc những dòng sau:
Yêu thương bản thân bạn, không chỉ những điều khiến bạn tự hào, hãy yêu chính mình như cách bạn mong muốn mình nhận được tình yêu thương đó.
Đôi lúc, chúng ta quên rằng chính mình cũng cần lắm những lúc được vỗ về, được an ủi và yêu thương như cách chúng ta khuyên nhủ và bên cạnh bạn bè mình mỗi khi họ gặp vấn đề. Vì quá mải trách cứ bản thân mà chúng ta chẳng có đủ sức để vỗ về những điều chưa hoàn hảo, cứ mãi dằn vặt để rồi bỏ lỡ cơ hội được trưởng thành và hoàn thiện những mảnh ghép đang cần được mài dũa hơn của mình.
Con đường nhanh nhất dẫn chúng ta đến hành trình phát triển bản thân một cách bền vững nhất chính là thông qua con đường thấu hiểu chính mình. Hiểu và yêu những gì thuộc về mình, là mình nhất. Chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo, mình và bạn hay bất kỳ ai trên thế giới này. Chúng ta chỉ đang không ngừng cố gắng để hoàn thiện bản thân mình theo cách mà mình mong muốn – chứ không phải cách mà thế giới mong muốn.
Hành trình “yêu thương” chính những gì vốn thuộc về mình chắc hẳn đầy những khó khăn, muôn vàn câu hỏi “Làm như thế nào để có thể tha thứ cho chính bản thân mình hơn?”. Tất cả sẽ được gói lại trong một phần nhỏ của Mindful Youth Camp – Chạm cảm xúc – Mở tương lai.