Có nhiều định nghĩa về sống chậm. Ta có thể hiểu sống chậm là điều chỉnh nhịp sống theo cách cân bằng, ý nghĩa. Sống chậm như là một bước ‘lùi’ lại và bắt đầu tận hưởng cuộc sống bằng cảm nhận thật sự. Lúc này, chúng ta có thêm cơ hội để tiếp cận với mọi mặt đời sống một cách chân thực và sâu sắc hơn. Ta không chỉ ‘nghe, nhìn’ mà còn ‘cầm, nắm, cảm nhận và suy nghĩ’.
Người ta nhắc nhiều đến những người truyền cảm hứng, những doanh nhân thành đạt và lời khuyên người trẻ đi nhanh hơn, làm nhiều hơn, tăng tốc mạnh hơn. Và có không ít người cuộc sống chỉ xoay vòng trong những hỗn độn của công việc, của lo toan chỉ với mong muốn tương lai tốt đẹp hơn, thoải mái hơn. Chúng ta tin rằng càng làm việc chăm chỉ hơn sẽ càng thành công. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi điều cuối cùng còn lại sau một quãng dài ‘chạy’ bền bỉ là sự mệt mỏi, kiệt sức, và cả một chuỗi những tự vấn ‘Đây có phải là cuộc sống ý nghĩa mà mình thực sự mong muốn không?’. Và khi chúng ta không có câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc trên, đó chính là lúc chúng ta cần sống ‘chậm’.
Vì sao lại sống chậm?
Liều thuốc giải độc cho việc ‘luôn luôn bận rộn’ là ‘sự chậm rãi’. Điều này nghe có vẻ ‘điên rồ’ nhưng sống chậm lại sẽ cho thấy một ranh giới rõ ràng giữa thành công – thất bại, giữa nhiệt huyết và ủ rũ. Nhưng bằng cách nào ta có thể cân bằng giữa sống chậm và sống hòa nhịp với xã hội đây? Có rất nhiều cách khác nhau, nhưng trong đó nổi bật lên 4 cách sống chậm giúp chúng ta vừa có thể sống cống hiến vừa sống trọn vẹn với đời.
1. Tập nhận thức thực tế hơn về cuộc đời chính mình
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng ‘Tại sao mình phải làm việc không ngừng như thế’ chưa? Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, hẳn bạn cũng từng băn khoăn học những công thức toán làm gì trong khi mình học xã hội, hay ‘thú vị’ hơn là làm cách nào không học mà giỏi. Chúng ta làm, làm mãi, học, học mãi mà không có một đích đến rõ ràng. Nó giống như việc chúng ta cứ lao xuống dốc mà không biết cuối con dốc là con đường bằng phẳng hay là vực sâu thăm thẳm.
Sống chậm lại và dành thời gian cho việc nhận thức và làm rõ từng giai đoạn mà bạn mong muốn cuộc đời mình sẽ trải qua. Bạn không thể nhìn thấy hướng đi đúng đắn nếu chỉ cắm đầu mà chạy. Hãy dành một giờ mỗi tuần để ‘check in’ trước tất cả những việc mình cần làm, bao gồm cả những hoạt động tận hưởng cuộc sống. Điều này sẽ giúp bạn bạn nhớ lại và ghi xuống dự định của mình một cách rõ ràng. Đồng thời, bạn cũng có thể rà soát lại những thiếu sót mà mình đã vô ý phạm phải. Việc nghĩ về việc “điều gì đã có hiệu quả?, điều gì không?”, giúp bạn có thể tập trung vào điểm mấu chốt trong tuần tiếp theo.
2. Hãy để tâm trí được “hít thở”
Có một sự thật là bạn sẽ không làm việc gì nên hồn nếu bạn ‘không thở được’. Dù bạn có muốn làm việc hăng say đến đâu thì sự trì trệ của cơ thể cũng sẽ kéo bạn xuống và khiến mọi việc không đi theo hướng đã sắp đặt.
Nếu mục tiêu của bạn là đạt được một sự thành công nào đó vào năm 28 tuổi, hãy sẵn sàng dành thời gian yêu thương cho tâm hồn, thể lực và thể trí của bản thân ngay từ ngưỡng 20. Vì đó là khoảng thời gian tâm hồn còn năng lượng nhất, trẻ trung nhất và cũng trở nên nhạy cảm nhất. Nó rất dễ được an ủi nhưng cũng rất dễ bị tổn thương.
Một ngày có 24 tiếng, thời gian làm việc tối đa là 10 tiếng, di chuyển 3 tiếng, sinh hoạt cá nhân và gia đình 3 tiếng, ngủ 6 tiếng, vậy là vẫn còn 2 tiếng cho việc thanh lọc tâm hồn như tập thiền, tập thể dục, viết lách hoặc đọc báo. Mỗi ngày một chút, ‘tích tiểu thành đại’, rồi đến một ngày bạn sẽ thấy trí lực của mình đều được cân bằng và chúng ta có thể ‘hít thở’ thật sâu dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa.
3. Tôi luyện cảm xúc cá nhân tích cực hơn
Cảm xúc là một điều khó kiểm soát. Khá nhiều người coi cảm xúc là kẻ thù chứ không phải là một người bạn. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người trượt dài trong một mớ cảm xúc rối rắm và không thể kiểm soát hành động, lời nói của mình khi những cảm xúc tiêu cực xuất hiện. Nhưng cảm xúc là những người thầy trung thực nhất. Chúng giúp bạn nhìn nhận điều gì đang xảy ra bên trong thân thể bạn, bên ngoài con người bạn, và cách tiếp nhận chúng như thế nào là phù hợp nhất.
Có một câu thần chú như vầy: Nếu bạn có thể gọi tên nó, bạn có thể thuần phục nó. Bằng việc sống ‘chậm’ lại, bạn cảm nhận cảm xúc từ sâu bên trong, luyện tập não bộ theo một quy trình là trải nghiệm cảm xúc, miêu tả và giải phóng nó. Hãy lấy sự tức giận làm ví dụ điển hình. Nó khiến bạn nhận ra rằng có điều gì đó không ổn. Nếu bạn luôn luôn trong tình trạng tất bật, bạn rất dễ cáu giận, và bạn sẽ tạo cơ hội tuyệt vời cho sự tức giận ‘lên ngôi’. Và thế là những cố gắng của cả một quá trình ‘đi tong’. Chậm lại một chút, định vị cảm xúc và hướng nó tới hành động tích cực.
4. Sống chậm để quyết định đúng đắn hơn
Việc lúc nào cũng hấp tấp, rối bời bởi công việc sẽ khiến bạn có cảm giác nơm nớp lo sợ về một quyết định nhỏ sẽ làm hỏng toàn bộ những gì bạn đã gây dựng lên. Để dễ hiểu hơn thì bạn có thể tưởng tượng tâm trí mình là một chiếc xe ô tô. Nếu bạn luôn luôn nhấn ga thì động cơ sẽ bị ép vận động hết tốc lực, máy móc trở nên quá công suất và ‘bốc hỏa’. Khi bạn giảm tốc độ, dành thời gian cho nghỉ ngơi và thiền tịnh, bạn giảm nguy cơ suy sụp tinh thần. Khi trí óc không ‘đua’, nó sẽ dễ dàng dung nạp thông tin, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định tốt hơn.
Sống ‘chậm’ là một mắt xích quan trọng trong cầu nối đến với thành công. Nếu thành công đòi hỏi những quyết định đúng đắn, và sống ‘chậm’ giúp đưa ra hướng đi quyết định tốt hơn, thì việc bạn dành thời gian rèn luyện lối sống này sẽ không hề bị uổng phí.
LÀM SAO ĐỂ SỐNG ‘CHẬM’?
Cuộc sống sẽ được cải thiện khi cân bằng và điều chỉnh độ ‘nhanh’ và ‘chậm’ phù hợp. Hãy thử cân nhắc những lợi ích nêu trên và đề ra một cách nào đó để tiến gần hơn với lối sống tối quan trọng này. Nhân đây, Lead The Change cũng muốn gợi ý cho bạn bốn bước có thể áp dụng tức thì để tạo một lối sống ‘chậm’ hiệu quả. Hãy cùng khám phá xem nhé!
Bước 1: Tinh thần
Bước đầu tiên để kích hoạt một lối sống ‘chậm’ và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn là bắt đầu với tinh thần của bạn. Hãy dành thời gian ghi ra những từ liên tục xuất hiện trong đầu bạn. Có phải bạn luôn có ý nghĩ ‘mình không có đủ thời gian để làm việc ABC’ không? Bạn nghĩ về những điều đó với tâm trạng và giọng điệu như thế nào?
Hãy bắt đầu nói với bản thân rằng bạn có đủ thời gian để làm việc ABC. Khi con người bên trong bạn cất tiếng nói rằng bạn không có thời gian cho bữa trưa, hãy nhắc nhở nó rằng trên thực tế thì bạn có. Cuối ngày, bạn cũng có thể ghi ra một vài điều đã xảy ra trong ngày mà bạn thấy biết ơn. Muốn vậy, bạn cũng cần thực hiện những thay đổi cần thiết về mặt lối sống, tự tạo ra những điều dẫn bạn đến gần hơn lối sống ‘chậm’.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm những bloggers về lối sống này:
- Brooke McAlary from SlowYourHome.com
- Emma Scheib from SimpleSlowLovely.com
- Erin Loechner from DesignForMankind.com
- Amy from MoreTimeThanMoney.co.nz
- Angela from SettingMyIntention.com
- Carl Phillips from FrictionlessLiving.net
- Alice from Sloely.com
Tham gia những cộng đồng về chủ đề liên quan:
- Twitter List: Slow Living (79 Members)
- Twitter List: Slow & Simple Living (393 Members)
- reddit.com/me/m/slowliving/ (49 subreddits)
- reddit.com/me/m/slowlivingfocus/ (25 subreddits)
Hay đọc những quyển sách thú vị:
- In Praise of Slowness: Challenging the Cult of Speed by Carl Honoré
- Chasing Slow: Courage to Journey Off the Beaten Path by Erin Loechner (see my Chasing Slow book summary here)
- Present Over Perfect: Leaving Behind Frantic for a Simpler, More Soulful Way of Living by Shauna Niequist (see my Present Over Perfect book summary here)
Bước 2: Cơ thể
‘Hồn’ và ‘xác’ luôn gắn liền với nhau. Cơ thể có khỏe mạnh thì thần trí mới tươi trẻ. Hãy thử trả lời một cách thật lòng những câu hỏi dưới đây xem nhé.
Bạn có dành thời gian tạo không gian cho bữa ăn để tận hưởng và tiêu hóa thức ăn đúng cách?
Bạn có ‘yêu thương’ thân thể mình bằng những vận động hợp lý và những nhu yếu phẩm cho tâm hồn?
Khi nào bạn thấy mình có thể cải thiện thân hình tốt hơn?
Có khá nhiều người coi cơ thể mình là ‘phòng trút giận’ khi có điều gì bức bối từ các mối quan hệ, công việc. Họ thường ăn nhiều hay nằm dài như một cái ‘cớ’ cho sự nghỉ ngơi và sự ‘tĩnh tâm’ của mình. Nhưng nó lại chính là ‘hình phạt’ bạn tự làm với cơ thể của mình. Hãy coi cơ thể là một con tàu kho báu, bảo vệ tâm hồn và cho phép bạn là những điều tuyệt vời đúng như sứ mệnh của bản thân với thế giới này.
Vậy bạn có thể bắt đầu quan tâm cơ thể mình từ những điều gì? Bạn có thể nói những điều tốt đẹp với bản thân mỗi ngày và mỗi tối. Bạn có thể dành ra 30 phút ‘không gián đoạn’ cho bữa ăn của mình. Dưỡng da ngay hôm nay nhé, tắm gội sạch sẽ và đi dọc bờ biển tận hưởng thiên nhiên nữa. Những điều này không phải là ‘xa xỉ’, cũng không phải là sự ‘nuông chiều’. Bạn xứng đáng được tận hưởng cuộc sống và nếu ai đó bảo bạn ‘lập dị’, hãy đưa bài viết này cho họ đọc ngay nhé^^
Bước 3: Lối sống
Đây có lẽ là phần khó nhất trong lối sống ‘chậm’. Ngày nay, chúng ta được ‘lập trình’ rằng càng có nhiều công việc để làm càng tốt. Cho đến khi chúng ta thực sự kiệt sức thì mới nhận ra điều đó là không đúng.
Nhưng cũng vừa không may vừa may mắn là cơ thể chúng ta thực sự thông minh và được kết cấu đề chịu đựng thời lượng bị stress khá lớn trước khi mất kiểm soát. Và chúng ta không nên để những tiêu cực đi xa đến mức này.
Bạn có kiểm soát được những điều bạn làm và có điều gì bạn không nắm bắt được không?
Bạn có đi ngủ quá muộn?
Bạn thường nói ‘YES’ quá nhiều, ngay cả trong trường hợp bạn nên nói ‘NO’?
Bạn có coi đi mua sắm là liều ‘doping’ cho những cảm xúc tiêu cực của mình không?
Những người xung quanh bạn mang lại niềm vui hay chỉ tạo ra sự rối loạn?
Nếu bạn thực sự muốn rèn luyện lối sống ‘chậm’ thì bạn nên ‘thành thật’ với lối sống hiện tại của mình và định hình rõ những thay đổi cần thiết. Hãy dành thời gian viết ra một tuần lý tưởng của bạn như thế nào. Chú ý người bạn dành thời gian, bạn làm gì, bạn ăn và đi đứng như thế nào, bạn vui vẻ ra sao. Sau một tuần, ngồi xuống và ‘phản tư’ lại tuần vừa qua. Bạn nên để ý những điểm khác biệt giữa lối sống lý tưởng và điều xảy ra trên thực tế. Nếu có những thay đổi nhỏ thì đó là một bước nền tảng quan trọng. Bởi bạn không thể thay đổi chỉ qua một đêm được. Hãy luôn luôn và tiếp tục!
Bước 4: Mối quan hệ
Thường thì mối quan hệ là khía cạnh gần như khó nhất khi thực hành lối sống ‘chậm’ . Khi nói đến những mối quan hệ thân thiết nhất(như gia đình), điều quan trọng nhất là đảm bảo mọi người đều bình đẳng với nhau. Đảm bảo rằng vợ chồng, con cái, bố mẹ cùng hòa hợp trong cuộc trò chuyện chung, thống nhất cách sống và mọi người đều có quyền đưa ra những sở thích hoặc mong muốn về một lối sống nhất định.
Chúng ta có thể tạo thêm nhiều niềm vui hơn trong những hoạt động thường ngày. Dành nhiều thời gian ngoài trời, xem ít tivi hơn. Nhiều thời gian sáng tạo hơn là đi mua sắm, nhiều thời gian chăm sóc cây cỏ hơn là chơi games.
Mối quan hệ và cộng đồng là một trong những chỉ số đánh giá hạnh phúc quan trọng nhất. Và vì mục đích của sống ‘chậm’ là thực sự tận hưởng cuộc sống, những mối quan hệ sẽ thực sự là phần thiết yếu cần được dành thời gian nhiều hơn, quan tâm và kết nối
Để nói và thực hành về lối sống này, chúng ta sẽ cần cả một quá trình dài và có thể gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi chuyển đổi. Nhưng những lợi ích nó mang lại là không hề nhỏ. Một khi làm chủ lối sống của bản thân, bạn sẽ có nhiều tiền đề để phát triển hơn nữa. Chúc bạn thành công và hãy chia sẻ đến nhiều người hơn về lối sống này nhé!