“Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình đi!”
Một câu hỏi đơn giản, quen thuộc và có đôi chút nhàm chán dùng để mở đầu câu chuyện, thế nhưng nếu bạn biết cách trả lời đúng, thì đây sẽ là cơ hội để bạn tạo nên một ấn tượng đầu “khó phai” trong lòng người khác. Giới thiệu về bản thân mình, để cho người khác hiểu: “Bạn là ai?” chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.
Khi được yêu cầu giới thiệu về bản thân mình, như một phản xạ tự nhiên, chúng ta liền đáp lại bằng “công thức” sau: “Mình tên là X, mình Y tuổi. Hiện mình đang học/ làm tại công ty Z, vị trí W.” Liệu đây có phải là đáp án người hỏi muốn nhận được sau khi hỏi hay không? Và liệu đây có phải là cách chúng ta nên giới thiệu về bản thân mình?
Theo Joanna Bloor – Giám đốc điều hành của Amplify Labs chia sẻ: “Việc trả lời về chức vụ và tên công ty/ tên tổ chức bạn đang làm việc là một câu trả lời “truyền thống” suốt bao đời nay. Nhưng ngay lúc bạn lựa chọn trả lời như thế, bạn có thể đang vô tình để vuột mất cơ hội để người khác có thể biết bạn THỰC SỰ ai. Vì rõ ràng, nghề nghiệp không nói lên con người thực sự của bạn.” Bloor là người chuyên đồng hành cùng với người khác trong hành trình khám phá về nét độc đáo của riêng bản thân họ – tìm ra thứ khiến họ khác biệt với hơn 7 tỷ người còn lạ trên Trái Đất. Từ đó giúp họ tạo nên sự kết nối sâu sắc hơn với những người xung quanh mình.
Bloor chỉ ra một cuộc hội thoại cơ bản, nghe có vẻ bình thường:
- Xin chào, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân mình được không?
- Mình là CEO của Amplify Labs.
Hãy đoán thử, câu hỏi tiếp theo sẽ là gì?
Nếu Bloor chọn cách trả lời quen thuộc trên, thì có thể những câu hỏi tiếp theo sẽ là về vị trí CEO và công ty Amplify Labs, chứ không phải là những câu hỏi giúp người hỏi biết được Bloor thực sự là ai.
Thế nhưng khi được hỏi là người hỏi có thích câu trả lời của chính mình cho câu hỏi: “Bạn đang làm nghề gì?”, thì hầu hết mọi người đều thừa nhận là họ không hề hứng thú với nó. Đây không phải là vấn đề của một cá nhân, mà nó được hình thành và được “di truyền” qua rất nhiều thế hệ, điều này tạo nên những câu trả lời rập khuôn, thiếu đi “bản sắc” của người trả lời. Một câu trả lời thể hiện được nét đặc trưng và cái tôi đúng của bạn sẽ giúp bạn được giữ lại lâu hơn trong tâm trí của người nghe, để họ thực sự cảm nhận về những gì “tuyệt vời” của bạn.
Mục đích của việc giới thiệu bản thân không phải chỉ là việc làm sao để nổi bật hơn trong đám đông hay thu hút được sự chú ý của người khác. Bằng việc khẳng định và “dán nhãn” đúng cho bản thân bạn, sẽ làm tăng xác suất bạn tìm thấy người đem lại cho bạn những cơ hội mới, mối quan hệ mới hay những ý tưởng kinh doanh tiềm năng. Bởi vì khi bạn biết cách giới thiệu đúng cách không chỉ giúp bạn có cơ hội được kết nối nhiều hơn mà bạn còn đang tự cho mình cơ hội để nhận được công việc mà bạn thực sự mong muốn.”
Nhưng hãy cẩn thận và nhớ rằng: Để có thể nói đúng và vừa đủ cần nhiều thời gian và công sức. Với một thế giới đầy những biến động, hiểu được điều gì khiến bạn khác biệt với đám đông ngoài kia là một điều quan trọng. Sau đây sẽ là những gợi ý giúp bạn có thể trả lời cho bạn hỏi: “Bạn giới thiệu về bản thân mình được không?” một cách ấn tượng.
1. Đừng chỉ nói về chức danh/ vị trí của bản thân
Điều đầu tiên bạn cần chuẩn bị đó chính là sự thấu cảm với chính mình, bạn thực sự là ai. Khi Bloor hỏi những khách hàng của mình là: “Bạn thích được mọi người biết đến mình về điều gì?” – Đây không phải là một câu dễ trả lời, nó giúp người nghe phải tự đẩy mình ra khỏi lối suy nghĩ vốn có – thực sự đối diện với bản thân mình.
Cho nên đừng chỉ nói về nghề nghiệp hay công việc bạn đang làm. Thay vào đó nói rõ về những mong muốn hay ước mơ của mình đặt vào đó. Ví dụ nếu bạn là một nhà báo và một nhà biên kịch, bạn có thể lồng ghép những sự thật về bản thân mình trong phần giới thiệu như: “Thế giới ngoài kia đang khá là hỗn loạn, vì vậy tôi muốn dùng ngòi bút của mình để kết nối thêm nhiều người bằng cách kể những câu chuyện mà tôi biết, cho nên tôi trở thành một nhà báo.”
2. Nghĩ về những vấn đề mà chỉ có bạn mới giải quyết được
Mỗi người, bất kỳ tuổi tác hay đang làm việc trong lĩnh vực nào cũng đều cần trở thành một người giải quyết được vấn đề. Hãy thử hỏi bản thân mình thử xem bạn đang muốn giải quyết vấn đề gì. Biết đâu bạn sẽ tìm được người chung chí hướng để có thể cùng tìm ra giải pháp thì sao? Ngoài ra, có vấn đề gì mà bạn giải quyết một cách hiệu quả hay không?
3. Hãy hỏi bạn bè hay cộng sự của bạn để tìm thêm nguyên liệu
Để một người có thể nhận ra điều đặc biệt về bản thân mình không phải là chuyện dễ dàng: “Điều tuyệt vời nhất về bạn, đôi khi lại là những thứ bình thường như chuyện bạn vẫn hít thở mỗi ngày. Chính vì thế, bạn bỏ lỡ những điều này.” Nếu bạn đang trong hành trình tìm kiếm tài năng của bản thân, hãy đến hỏi những người bạn thân hay đã làm việc cùng bạn lâu và hỏi rằng: “Có điều gì mà mình làm tốt nhưng mình lại không nhìn thấy hay không?” Mỗi người có thể sẽ đem lại cho bạn một góc nhìn khác nhau, nhưng bạn sẽ có thể hình dung ra một điểm chung nào đó trong câu trả lời của họ.
4. Đặt ngay một vé để trở về tuổi thơ
Nghe có vẻ “ngốc nghếch” Thế nhưng việc để tâm trí bước vào cỗ máy thời gian và nghĩ về bạn năm 8 tuổi. Lúc đó thì bạn làm điều gì tốt nhất? Theo Bloor đó cũng sẽ là những kỹ năng mà bạn có thể sử dụng khi lớn lên. Ví dụ như hồi bé cô ấy rất giỏi việc ghi nhớ hướng đi và các con đường đã đi qua trong lúc leo núi cùng với bố của mình. Sau này, kỹ năng ghi nhớ đã giúp cô có thể xây dựng sự nghiệp của mình bằng cách hữu hình hóa những bản đồ 3D trên các phần mềm kiến trúc.
5. Hãy cho phép mình được hé lộ một ít “tổn thương”
Thế giới rộng lớn như vậy, không phải là điều dễ dàng để có thể tìm thấy một “tri kỷ” cho mình. Cho nên hãy thử nói với họ về những điều đang khiến bạn lo lắng, ví dụ như: “Mình cảm thấy chúng ta thường nóng giận vô cớ và khó đồng cảm với nhau đều bắt nguồn từ việc chúng ta không thực sự giao tiếp về con người thật của mình.” Hãy xem đây là cơ hội để bạn hé lộ những suy nghĩ, lo lắng và trở nên thật lòng với bản thân. Việc sử dụng các cụm từ như: “Mình rất đam mê về X” hoặc “Điều khiến mình hào hứng nhất là Y.” Dám giao tiếp bằng “cảm xúc” để thể hiện lòng nhiệt huyết sẽ giúp bạn nhận được nhiều câu trả lời tử tế hơn rất nhiều.
6. Thử lắng nghe những góp ý về phần giới thiệu của bản thân
Sau khi bạn đã hình dung được những gì mình nên nói về bản thân, thì đây sẽ là lúc bạn cần luyện tập với 5 người hiểu bạn nhất. Sau đó một vài ngày, hãy thử hỏi họ: “Điều gì khiến bạn nhớ nhất về phần giới thiệu của mình?” Qua đó bạn có thể nhận được những lời góp ý chân thành về những gì mà người khác nhớ về bạn. Hãy dùng đó như những gia vị để nêm nếm thêm cho phần giới thiệu của bản thân nhé.
Chúng ta đều mong muốn tìm được điều đặc biệt về bản thân của mình, và khám phá lý do tại sao bạn lại có mặt trên hành tinh này. Và điều đó có thể được bắt đầu bằng cách học cách trả lời cho câu hỏi: “Bạn sẽ giới thiệu về mình như thế nào?”.
Nếu bạn đang loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai?”.
Chạm để đăng ký tham gia Mindful Youth Camp – hành trình 3 ngày 2 đêm giúp bạn khám phá bản thân và định hướng tương lai nhé!