Ai cũng biết tập thể dục là một việc nên được đưa vào danh sách làm hằng ngày của mỗi người, vì nó giúp tăng cường khả năng trao đổi chất của cơ thể, lưu thông máu huyết tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt trong khi đại dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới điêu đứng, thì tập thể dục lại là một trong những biện pháp gúp bạn chống lại cô Vy.
Thế nhưng, không phải ai cũng dành thời gian để tập thể dục một cách đều đặn và thường xuyên. Mỗi người sẽ có một cách bào chữa cho bản thân mình khác nhau. Vậy làm sao để chúng ta có thể “tự nguyện” và hào hứng đứng dậy và đi tập thể dục? Sau đây sẽ là một vài lý giải dựa trên các nghiên cứu về hành vi, giúp bạn có thể thay đổi góc nhìn và cách suy nghĩ về những cái cớ để mình không tập thể dục.
1. “Mình không có thời gian để tập thể dục”
Hãy nhớ: Bạn có rất nhiều thời gian để làm những việc mình muốn, chỉ cần điều đó nằm trong danh sách ưu tiên của bạn.
Mỗi khi bạn nghĩ rằng: “Mình không có thời gian”. Hãy nhớ về phép tính đơn giản sau:
1 tuần bạn có 168 tiếng, trừ đi thời gian đi làm hoặc đi học là 8 tiếng một ngày, 168 tiếng trừ đi 56 tiếng, trừ thêm 56 tiếng để ngủ một tuần (nếu bạn ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày). Bạn còn lại bao tiếng rảnh một tuần?
Hãy thử tự tính nhẩm trước khi xem đáp án nhé!
Thời gian rảnh còn lại của bạn là 72 tiếng. Nếu bạn nói mình vừa đi học và vừa đi làm nên một mỗi ngày bạn cần 10 tiếng để học và làm, vậy thì bạn còn bao nhiêu?
168 – 70 – 56, bạn vẫn còn 42 tiếng mỗi tuần. Đó là một quỹ thời gian dư giả cho bạn để có thể đầu tư vào những việc bạn muốn làm. Chúng ta thường tập thể dục trong 30 phút đến 1 tiếng, vậy một tuần bạn chỉ cần từ 3.5 tiếng đến 7 tiếng một tuần dành cho việc này.
Thông qua phép tính đơn giản này, bạn có thể nhận ra trong tay bạn có rất nhiều thời gian để làm mọi thứ. Cho nên nếu bạn thực sự muốn đứng dậy và tập thể dục, hãy ghi việc này vào to-do list hằng ngày của mình. Tận dụng những khe hở thời gian như khi nghỉ giữa giờ, tập một vài động tác giãn cơ đơn giản, bạn cũng có thể vừa cày phim vừa tập thể dục. Mỗi một giây trôi qua đều là thời gian, cho nên hãy dành nó cho những điều giúp bạn hạnh phúc.
2. “Ngày mai rồi hãy bắt đầu tập, chứ bây giờ mình không có hứng.”
Hãy thử: Đặt bản thân mình vào thì tương lai
Dan Goldstein, nhà nghiên cứu hành vi của Microsoft Research, cho biết, bản thân trong tương lai của chúng ta biết điều rất rõ lợi ích cảu việc tập thể dục, nhưng đó là một trận chiến không cân sức giữa “hai người”.
“Người hiện tại” hiện diện trong bạn và luôn bên cạnh bạn để kiểm soát mọi việc bạn làm, người đó thường xuyên dụ dỗ bạn bằng trà sữa, bánh tráng hay những món ăn vặt đầy hấp dẫn. Trong khi “người tương lai” – mà bạn mong muốn trở thành thậm chí còn không tồn tại. Cho nên, người hiện tại rất dễ dàng để đánh bại người trong mơ này.
Để ngăn chặn sự “bành trướng” của người hiện tại, có một cách rất đơn giản. Hãy để tâm trí bạn thực hiện chuyến du hành thời gian, đi đến tương lai và nhìn thấy chính mình sau 20 đến 30 năm không tập thể dục. Bạn lúc đó có đang vật vã để trả các hóa đơn y tế hay thậm chí đau nhức khắp người vì chạy theo cháu của mình? “Người hiện tại” trong bạn cảm thấy như thế nào? Sau đó hãy thử nghĩ đến một kịch bản khác, bạn sẽ được gì nếu tập thể dục một cách thường xuyên ngay từ bây giờ?
Sau khi trở về và so sánh hai kết quả, bạn có chắc mình sẽ tiếp tục để “người hiện tại” điều khiển bạn như trước hay không?
3. Mình thích xem Netflix/ nghe nhạc/ xem Youtube hơn là tập thể dục
Bạn có biết: Bạn có thể làm cả hai cùng lúc?
Nhà khoa học nghiên cứu hành vi kinh doanh – Kinda Milkman của Đại học Wharton đã tiến hành một thí nghiệm thú vị. Cô mời những ai đang cực kỳ muốn tập thể dục nhiều hơn. Sau đó chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm bằng nhau. Một nửa được đưa cho iPod trong đó có rất nhiều những sách nói nổi tiếng như: Mật mã DaVinci hay Đấu trường sinh tử) và họ chỉ được nghe khi tập thể dục. Một nửa còn lại được đưa cho một món quà có giá trị tương đương, là chứng nhận của Barnes & Noble. Kết quả là: Nhóm được nghe sách nói tập thể dục nhiều hơn đáng kể.
Kết quả này ẩn chứa một thông điệp: “Hãy tạo nên một quy tắc rằng bạn chỉ được nghe/ xem chương trình yêu thích của mình khi bạn tập thể dục”. Việc gắn các bài tập thể dục cùng với những sở thích của bạn sẽ là nguồn động lực để bạn đứng dậy và tập thể dục ngay lập tức.
4. Mình cảm thấy rất tự ti về cơ thể của mình. Mình sợ ánh mắt dòm ngó và lời trêu chọc của người khác về mình.
Hãy nhớ: Mọi người có thể “bình phẩm” về bạn, và bạn không cần là một trong những người đó.
Sống trong một xã hội mà cân nặng được xem như một thước đo giá trị con người. Nhà hoạt động xã hội kiêm nghệ sĩ Kelli Jean Drinkwate cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà ở đó một người “Mập” đồng nghĩa với việc đó là một người không tốt – lười biếng, vô trách nhiệm và tham ăn.Trong khi một người gầy lại được xem là một người tốt, được xã hội chấp nhận.
Drinkwater kêu gọi mọi người hãy thử nhìn nhận lại thá độ của mình với người khác và với chính bản thân mình bằng cách đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có muốn sống trong một xã hội toàn những người thích phủ nhận, “tước” đi quyền cơ bản của một con người bình thường nếu như người đó không tuân theo một “kích thước” hay “số đo” khuôn mẫu?
Thay vì coi thể dục là một cách để trừng phạt bản thân mình vì đã không “hoàn hảo” như người khác muốn, hãy xem việc tập thể dục là cách mà chúng ta chăm sóc cơ thể của chính mình. Việc giúp bản thân giác ngộ rằng: “Tập thể dục là một trong những cách tuyệt vời nhất để bạn thể hiện tình yêu với bản thân mình, điều đó cũng bình thường như chuyện bạn mua một chiếc áo phù hợp với mình, cắt kiểu tóc bạn thích hay có hình xăm bạn muốn và thậm chí là giảm cân thành công.”
Bằng việc nghĩ rằng: “Đó là hành động để bạn nâng niu chính mình”, bạn sẽ thấy những lời mọi người nói vốn chỉ tồn tại trên miệng họ và không hề liên quan đến bạn. Cho nên bạn có quyền chọn cách “quay mặt làm ngơ” và tiếp tục hành trình “yêu thương bản thân mình”
Hy vọng với 4 cách tháo gỡ những vướng mắc tâm lý của bạn mỗi khi nhắc đến chuyện tập thể dục, đã giúp bạn có đủ dũng khí và sự quyết tâm để đặt việc tập thể dục thành một điều mà bạn có thể dành thời gian để làm mỗi ngày, hướng đến một tương lai với một phiên bản vừa vặn hơn, tự tạo động lực cho mình bằng cách kết hợp thể dục cùng một sở thích của bản thân hay biến mỗi động tác thể dục thành một minh chứng cho việc yêu thương bản thân.
Từ đó, các bạn có thể có một tinh thần thoải mái, một cơ thể khỏe mạnh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé!