Slight Edge là cuốn sách gắn liền với những ngày đầu chập chững bước vào đường đời của tôi. Đây là món quà từ người sếp đầu tiên trao tặng mà tôi hết sức trân quý. Với nội dung cô đọng tuyệt đối, nếu người đọc không biết phản tư (reflect) thì sẽ dễ bỏ qua những bài học giá trị ẩn chứa bên trong cuốn sách này.
Triết lý của Slight Edge là gì?
Triết lý mà ta theo đuổi định hình thái độ, hành động và kết quả ta nhận được, qua thời gian định hình lên cuộc sống của chúng ta. The Slight Edge là một triết lý, nó đại diện cho một lối suy nghĩ: Chúng ta biết những gì? Làm sao ta nắm giữ kiến thức đó? Và ta chọn hành động như thế nào?
Theo tác giả của cuốn sách – Jeff Olson, bí quyết rất đơn giản: “BỀN BỈ thực hiện các VIỆC NHỎ BÉ LIÊN TỤC cho tới khi thành công nhảy vồ đến .”
Vấn đề là những việc nhỏ bé, rất dễ làm đó (Easy to do) lại cũng chính là những thứ rất dễ bị bỏ qua (Easy NOT to do). Và nó là nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt của 5% người thành công so với 95% người thất bại.
Nếu công việc rất đơn giản, tại sao mọi người đều không thực hiện nó để thành công?
Đơn giản là vì đó là những quyết định nhỏ, hành động nhỏ và nó không khiến bạn “chết đi” ngay lập tức, nếu bạn không làm gì hoặc đưa ra lựa chọn không chính xác.
Để thu hoạch được trái ngọt, cần có cả một quá trình trồng trọt, chăm sóc tỉ mỉ hàng ngày. Loài người đã đi qua thời kỳ đồ đá, qua thêm nhiều cuộc cách mạng lớn để đến với kỷ nguyên 4.0. Thời của công nghệ thông tin, của tốc độ, của kết nối, thời của mọi nhu cầu được giải quyết trong chớp mắt. Nó vô tình hình thành lên thói quen “ăn xổi ở thì” của vô số người, chỉ muốn làm cái gì thấy ngay kết quả, được thu hoạch ngay mà không cần bỏ ra gì hết, hoặc càng ít càng tốt. Trong một xã hội có xu hướng tôn thờ những bước đột phá như hiện nay, con người dễ dàng từ bỏ hoặc ngừng thực hiện những hành động nhỏ cần thiết để mang lại kết quả.
Theo thuyết tương đối rộng của Einstein, tất cả các vật có trọng lượng đều có không gian cong. Không có những thứ hoàn toàn là đường thẳng – tất cả mọi thứ, bao gồm cả cuộc sống của bạn, đều cong. Lựa chọn hàng ngày của bạn xác định hướng đường cong bạn đang đi. Nếu bạn đang có những lựa chọn đúng đắn mỗi ngày, đường cong cuộc sống của bạn nằm ở nửa trên (chỉ có 5% số người đạt được). Nếu bạn đang mắc nhiều lỗi đơn giản trong việc ra quyết định hàng ngày, nếu bạn bỏ qua kỷ luật với những thói quen đơn giản nhưng tích cực, bạn đang đi về hướng đường cong đi xuống (nơi có phần lớn mọi người).
Đâu là điều tạo ra 5% khác biệt của người thành công?
1. Kỷ luật với bản thân
Hard choices, Easy life.
Đây là một trích dẫn truyền động lực và cảm hứng áp dụng đúng triết lý The Slight Edge mà tôi cực kỳ yêu thích. Nó đến từ một người đàn ông Ba Lan đã đi từ một người tỵ nạn chính trị đến người giành bốn Giải vô địch cử tạ thế giới Jerzy Gregorek. Câu nói bắt nguồn từ kinh nghiệm cử tạ của anh ấy, nhưng nó có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Vận động viên cử tạ liên tục đẩy mình để nâng tạ nặng hơn. Cách duy nhất để mạnh hơn là làm cho nó khó hơn. Bằng cách tăng cân hơn một chút so với lần trước. Tiến bộ đến khi bạn đang ở trên hoặc hơi vượt ra ngoài những gì bạn có thể làm. Bằng cách khó khăn với bản thân mình hơn trong ngày hôm nay, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với bạn trong tương lai. Nguyên tắc này có thể được áp dụng cho tất cả mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta.
2. Luôn giữ cho bản thân mình chuyển động
Bạn có nhận ra rằng chữ extraordinary (phi thường) là sự kết hợp của 2 chữ extra (thêm) và ordinary (bình thường) không? Khi những người ordinary (bình thường) vượt qua được Comfort zone (vùng thoải mái) và cứ duy trì tập luyện thêm, bổ sung thêm (extra) những điều bình thường, họ sẽ trở thành phi thường (extraordinary). Tăng “khối lượng tạ” lên một vài lần thôi chưa đủ, thành tựu sẽ lại trở thành giới hạn mới nếu ta đắm mình trong nó quá lâu, không trau dồi không tập luyện không thử thách bản thân thêm nữa. Luôn giữ cho bản thân mình chuyển động, biến những thói quen tích cực trở thành chuỗi hành động được tự động hoá. Đến lúc đó, sẽ không còn sự đấu tranh trong nội bộ não bạn về việc hành động hay trì hoãn nữa.
3. Phản tư sau mỗi trải nghiệm
Bạn đọc, bạn học, bạn nghe … Rồi sao nữa?
Nếu không dành thời gian vận dụng, thực hành, liệu nó có trở thành kiến thức của bạn?
Bạn cắm đầu vào làm, làm, làm và làm … Rồi sao nữa?
Nếu không dành thời gian suy ngẫm, điều chỉnh, cải tiến thì hiệu suất công việc liệu có tốt hơn hàng ngày?
Bạn chạy đua với guồng quay cuộc sống ngày qua ngày … Rồi sao nữa?
Nếu bạn không dành thời gian trò chuyện với chính mình, bạn có ý thức được bạn đang sống vì điều gì? Hay chỉ đang tồn tại?
Phản tư giúp bạn thêm hiểu bản thân, nhận thức được ý nghĩa sau mỗi trải nghiệm và không ngừng tiến lên phía trước với câu hỏi “Rồi sao nữa?”. Hãy thử dành 1% thời gian mỗi ngày (~15 phút) thật sự tập trung cho việc phản tư, bạn sẽ bất ngờ với kết quả mình nhận được đấy!
4. Bền bỉ với các mục tiêu
Hơn mười năm tung hoành khắp nơi kinh doanh, khởi nghiệp hơn chục dự án lớn nhỏ khác nhau, bản thân tôi không khỏi đau đáu một nỗi niềm về thế hệ kế thừa đất nước. Chẳng đợi được đến lúc túi tiền đầy ắp, giỏ trải nghiệm không có chỗ mang, tôi quyết định thành lập Lead The Change nhằm tạo ra một môi trường để các bạn trẻ thử thách bản thân, phát triển kỹ năng, tiếp cận với tri thức tiên tiến của thế giới để mở rộng tầm nhìn, mở rộng kiến thức , rồi lấy đó làm nền tảng để làm chủ cuộc đời của chính mình.
Từ khi thành lập Lead The Change, tôi thường xuyên về các trường đại học thỉnh giảng, cố gắng dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ, giúp đỡ và mentor cho nhiều bạn trẻ. Qua quá trình mentor, điều khiến tôi bất ngờ đó là IQ không phải là điểm khác biệt mấu chốt phân biệt mentee giỏi nhất và mentee trung bình của tôi. Đa số mentee giỏi nhất của tôi không có chỉ số IQ cao ngất ngưởng, và phần lớn họ đều có xuất phát điểm rất mờ nhạt. Vậy điều gì đã tạo nên bước chuyển ấy?
SỰ BỀN BỈ.
Đa số các mentee giỏi nhất mà tôi tâm đắc nhất xét về mặt năng lực, ban đầu đều rất mờ nhạt. Không tự tin vào bản thân, không biết mình muốn gì, mạnh gì, yếu gì, không mảy may dám đưa ra ý kiến. Điều duy nhất ở họ khiến tôi tin tưởng và nhận mentor là họ hành động thay vì hứa. Ngày này qua tháng khác, họ hành động với sự bền bỉ để lấp đầy những khiếm khuyết và không dừng lại tại đó mà tiếp tục bồi đắp thêm để nó trở thành điểm mạnh của mình.
Sự bền bỉ bao gồm lòng đam mê và sự kiên trì để đạt tới một mục tiêu dài hạn. Bền bỉ là luôn hướng tới tương lai, ngày này qua ngày khác, không chỉ trong một tuần, không phải trong một tháng mà trong nhiều năm liền, và luôn cố gắng làm việc để biến tương lai đó thành hiện thực. Bền bỉ nghĩa là sống như thể cuộc đời là một cuộc chạy marathon dài hạn, chứ không phải một cuộc chạy nước rút ngắn hạn. Và bền bỉ cần có sức chịu đựng tốt và khả năng phục hồi tốt để dù có bị chấn thương, cũng không vì thế mà ngã quỵ, mà buông bỏ đi mục đích sống của chính mình.
5. Tư duy cầu tiến
Đây là một quan điểm được phát triển tại đại học Stanford bởi Giáo sư Carol Dweck. Quan điểm này nói rằng khả năng học tập không phải là thứ không thể thay đổi, nó có thể thay đổi cùng với những nỗ lực của bạn. Tiến sĩ Dweck đã chỉ ra rằng khi trẻ đọc và học về não bộ và cách nó thay đổi và phát triển khi đối mặt với thách thức. Có nhiều khả năng đứa trẻ sẽ trở nên kiên trì hơn mỗi khi chúng thất bại, bởi chúng không còn tin rằng thất bại đó là vĩnh viễn. Vì vậy “tư tưởng cầu tiến” là một tư tưởng tuyệt vời cho việc xây dựng tính bền bỉ. Chúng ta cần phải đánh giá xem liệu chúng ta đã thành công hay chưa và chúng ta phải sẵn sàng thất bại hay phạm sai lầm, để bắt đầu lại với những bài học đã học được và lại tiếp tục. Nói cách khác, chúng ta cần phải bền bỉ trong việc khiến những đứa trẻ trong ta trở nên bền bỉ hơn.
Suy cho cùng thì hành vi (behavior) bắt nguồn từ thái độ (attitude) và thái độ được quyết định bởi mindset (tư duy). Tất cả các bí quyết kể trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn trang bị cho mình tư duy cố định thay vì tư duy phát triển.
Quan điểm của bạn về bản thân có thể quyết định tất cả mọi thứ. Nếu bạn tin rằng năng lực của bạn là không thể thay đổi (tư duy cố định) bạn sẽ muốn chứng minh bản thân đúng đắn hơn là học hỏi từ những sai lầm của mình.
Tại sao phải che giấu những thiếu sót thay vì khắc phục chúng?
Tại sao tìm kiếm bạn bè hoặc đối tác, những người sẽ nâng cao lòng tự trọng của bạn thay vì những người cũng sẽ thách thức bạn phát triển?
Và tại sao phải so sánh năng lực của mình với người khác? Thay vì dành thời gian phát triển nó thêm?
Niềm đam mê phát triển bản thân thậm chí khi nó chưa đủ tốt, là trụ cột của tư duy phát triển.
Và đây chính là tư duy giúp cho nhiều người tăng tốc vượt bậc ngay cả trong những thời điểm thử thách nhất của cuộc đời họ.
Bài viết của anh Huỳnh Công Thắng – Sáng lập Lead The Change