Mỗi năm Tết đến, xuân về, mỗi người dân Việt Nam cố gắng trở về đoàn tụ cùng gia đình sau chặng đường nhiều năm hay một năm xa nhà làm ăn và học tập. Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ lớn nhất và quan trọng nhất trong năm. Vậy Tết cổ truyền ở các nước bạn có những điểm giống và khác nhau như thế nào so với Việt Nam? Cùng nhau “lạc trôi” khám phá và tìm hiểu những ngày Tết Nguyên Đán ở Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc nhé!
1. Singapore
Tết truyền thống của Singapore diễn ra cùng thời điểm với tết cổ truyền của Việt Nam. Hơn 1/2 người dân Singapore là người Trung Quốc vì thế mà ngày tết cổ truyền tương đối giống với Trung Quốc và Việt Nam.
Singapore ăn tết âm hay dương? Giống như Việt Nam, tết của Singapore được tính theo âm lịch. Người dân Singapore rất coi trọng Tết cổ truyền, nó được xem là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người dân Singapore. Có 3 sự kiện nổi bật trong dịp tết truyền thống Singapore là lễ hội Hoa Đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay.
Lịch nghỉ tết Sing chỉ có 2 ngày nhưng người dân Singapore ăn mừng Tết khoảng nửa tháng, không hề giống với Tết của người Việt. Nếu như Việt Nam trưng mâm ngũ quả thì người Singapore chỉ trưng quýt trên bàn thờ tổ tiên mà thôi. Theo quan niệm của người Sinagpore quýt tượng trưng cho phú quý, thường được biếu, tặng trong ngày tết, lì xì đầu năm.
Bữa cơm tất niên là dịp sum họp của các thành viên trong gia đình. Theo quan niệm “giàu 3 ngày Tết” tức là bữa ăn này phải làm thật nhiều, để thừa thì mới được. Tuy nhiên hiện nay phong tục đó đã dần bị thay thế bởi các nhà hàng, vì không ai đủ sức làm bữa ăn dư thừa như thế. Sau bữa ăn trẻ em sẽ nhận được lì xì, và điều đặc biệt ở đây là những ai chưa lập gia đình đều là trẻ em hết cho dù bạn có 40, 50 tuổi.
Người dân Singapore vốn coi trọng công việc nên ngày Tết của người Singapore chỉ diễn ra trong 2 ngày (mùng 1 và mùng 2 tháng Giêng). Mùng 1 dành cho cha mẹ, người thân, mùng 2 dành cho phụ nữ đã có chồng về thăm cha mẹ ruột. Sau ngày rằm tháng Giêng các gia đình người Singapore lại tụ họp ăn bữa cơm gia đình lần nữa, cả nước kết thúc ngày Tết truyền thống của Singapore bằng sự kiện tắt đèn, tháo các công trình trang trí, bắt đầu một năm mới với công việc chính của mỗi người.
2. Thái Lan
Cũng như Việt Nam Thái lan cũng đón Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Songkran, đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của Thái Lan. Có rất nhiều các lễ hội, hoạt động diễn ra trong dịp Tết nổi bật nhất là lễ hội té nước hấp dẫn thu hút nhiều người dân và du khách. Phật giáo từ lâu là quốc giáo của Thái Lan, nên mỗi dịp năm mới của đất nước này đều bắt đầu vào ngày sinh của Đức Phật, là ngày 15/4. Từ 1941, Hoàng gia Thái ra quy định Tết Songkran sẽ bắt đầu ngày 13/4 đến 15/4 Dương lịch hàng năm là kết thúc.
Mặc dù ngày 13 mới là ngày chính thức đón tết truyền thống Songkran nhưng trước đó ngày 12 người dân đã bắt đầu dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, mua sắm thức ăn và các loại vật dụng. Ngày 13/4 giống như ngày 30 Tết ở Việt Nam vậy, người dân gọi là ngày chuẩn bị, người dân sẽ nấu nướng, bày biện thức ăn để dâng lên chùa vào ngày 14/4 tiếp theo.
Lễ hội té nước Thái Lan là lễ hội mừng năm mới của người dân Thái Lan. Còn có tên gọi theo bản địa là Songkran, bắt nguồn từ tiếng Phạn có nghĩa là “ còn đường chiêm tinh”. Lễ hội Songkran – lễ hội té nước Thái Lan thường được tổ chức theo Phật lịch với ý nghĩa mừng năm mới từ ngày 13 – 15/4 dương lịch.
Mọi người đón mừng Đản sinh Phật bằng việc phun nước vào nhau để gột rửa hết buồn phiền, xui rủi của năm cũ để đón năm mới. Trước đây hoạt động té nước chỉ diễn ra trong gia đình, bạn bè, và những người thân hữu. Tuy nhiên ngày nay nó trở thành lễ hội té nước dành cho cả khách du lịch. Khi lễ hội bắt đầu, mọi người sẽ dùng những vật dụng có thể đựng nước để té vào nhau. Bên cạnh đó các chú voi ở đây được trang trí nhiều màu sắc sặc sỡ chuẩn bị tham gia lễ hội.
Để xua tan cái nóng “như thiêu như đốt” của tháng 4, người dân Thái Lan đã chế biến một món ăn đặc biệt: Khao-Chae, món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày lễ Songkran.
Tên gọi Khao-Chae bắt nguồn từ cách chế biến món ăn. “Khao” có nghĩa là gạo, “chae” nghĩa là ngâm trong nước. Bởi qui trình chế biến công phu và tỉ mỉ nên Khao-Chae còn được gọi là “món ăn thần thánh”. Đầu tiên gạo được nấu qua cho mềm nhưng chưa chín hẳn, sau đó cho gạo vào cái rây xả qua vòi nước nhiều lần để loại bỏ hết bột cám ở ngoài.
Cũng giống như Tết của các nước châu Á khác, Tết SongKran không chỉ là dịp người dân Thái Lan bày tỏ lòng kính trọng với Đức Phật mà còn là dịp họ trở về bên gia đình, bạn bè để sum họp, ăn uống và trao gửi những lời chúc và cầu may cho một năm mới tốt lành, sung túc.
3. Đài Loan
Hiện nay xứ Đài vẫn sử dụng ngày âm lịch giống như ở Việt Nam, để đón Tết cổ truyền ở Đài Loan kéo dài từ 30 tới mùng 4 âm lịch tháng Giêng. Người Đài Loan cũng có một số tập tục khá giống như ở Việt Nam, một trong đó chính là tập tục đưa ông Táo về trời.
Sau khi thực hiện nhiệm vụ cúng đưa ông Táo về trời, người Đài Loan bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa. Bàn thờ tổ tiên được lau chùi trước, kế tới là nhà cửa sao cho sạch sẽ, tươm tất và thơm tho.
Chợ đêm được xem là nét văn hóa đặc trưng của hòn đảo xinh đẹp của Đài Loan. Vào những ngày giáp Tết, chợ đêm rất đông vui, náo nhiệt, tấp nập hơn gấp nhiều lần so với những ngày bình thường. Những khu chợ ngập tràn sắc đỏ đón Tết của những gian hàng đầy ắp hàng hóa, thực phẩm. Khách hàng có quyền lựa chọn và nếm thử những mặt hàng ngày Tết, đến đây bạn thấy có những nét khá giống so với không khí giáp Tết ở Việt Nam.
Từ thời xa xưa, lễ hội đã được bắt nguồn, việc thả đèn trời mục đích là để tiện thông tin liên lạc, giống như Gia Cát Lượng phát minh ra “đèn Khổng Minh”. Mãi cho đến về sau, hình ảnh những chiếc đèn trời bay lên không trung mang theo ý nghĩa, ước vọng bay cao, cầu nguyện hạnh phúc, mọi điều tốt lành và ngắm nhìn bầu trời đêm lung linh ánh đèn huyền ảo.
Ngoài hoạt động lễ hội thả đèn trời, còn có lễ hội đốt pháo ở Diêm Thủy – Đài Nam. Đây được xem là một trong những hoạt động sôi nổi, náo nhiệt nhưng lại có phần mạo hiểm. Tương truyền rằng, vào đời nhà Thành, cả vùng Diêm Thủy không may dịch bệnh cứ hoành hành, dân chúng địa phương đã cầu nguyện nhờ tới thần linh giúp đỡ nên đã đốt rất nhiều bánh pháo, về sau dịch bệnh đã được thuyên giảm. Để tỏ lòng biết ơn thần linh, hàng năm cả một vùng Diêm Thủy đốt pháo cả không gian ngập tràn trong khói thuốc pháo mù mịt cay nồng.
Đặc trưng ẩm thực ngày Tết của quốc đảo này có những nét tương đồng với ẩm thực của người Hoa trên thế giới. Những món ngon ngày Tết của Đài Loan gồm có những món đặc trưng như: Gà nguyên con mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình; Cá viên, thịt viên tượng trưng cho sự trường thọ, lâu dài; Cải bẹ xanh cọng tọ được để nguyên cây, nấu chín mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trường thọ; Củ cải trắng tượng trưng cho một khởi đầu may mắn, tốt lành; Cá tượng trưng cho sự khấm khá, dư dả trong năm, lưu ý không nên ăn hết con.
4. Hàn Quốc
Seollal là tên gọi Tết Nguyên Đán của người Hàn Quốc. Cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc đón Tết cổ truyền vào ngày 1 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Đối với người Hàn Quốc, Seollal không chỉ đánh dấu một năm mới, mà đây còn là dịp để người Hàn nhớ về tổ tiên và tụ họp cùng gia đình. Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn thường mặc Hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc), thực hiện các nghi lễ của tổ tiên và ăn các món ăn truyền thống cùng gia đình.
Người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.Trong những tuần giáp Tết, người Hàn Quốc, nhất là giới trẻ, thường trao cho nhau các tấm bưu thiếp để cảm ơn về những gì đã có trong năm cũ và cầu chúc một năm mới hạnh phúc đang đến.
Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cái bái lạy cha mẹ, ông bà. Còn các cháu, sau khi làm động tác cúi đầu chào năm mới trước người lớn và chúc họ may mắn, chúng sẽ được người lớn thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tuỳ thuộc vào tuổi, vị trí của chúng trong gia đình và đương nhiên là cả điều kiện, hoàn cảnh, quan niệm của từng gia đình nữa. Kết thúc, cả nhà quây quần cùng nhau thụ lộc những đồ ăn vừa cúng Tổ tiên.
Vào dịp Tết truyền thống, bữa cơm của người dân xứ sở kim chi không thể thiếu các món ăn như Tteokguk – món ăn mang lại may mắn và đánh dấu một năm qua đi với người dân xứ sở kim chi; Yaksik – một món ăn có tác dụng chữa bệnh, được làm từ gạo nếp với hạt dẻ, táo tàu và hạt thông, người ta cũng cho thêm đường nâu, dầu vừng và nước tương vào trong món ăn; Jeon – bánh pancake theo kiểu Hàn Quốc với thịt, bột mì, hải sản và rau; …
Câu chúc tết phổ biến nhất của người Hàn Quốc là “Say hay boke-mahn he pah du say oh”, có nghĩa “Mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri” ở ngoài cửa. Bok jo ri là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Người Hàn Quốc treo vật này ngoài cửa với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm.
Cũng giống như Việt Nam và nhiều nước Đông Á khác, trong những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền đã là dịp để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ trong sự hòa thuận, yêu thương và mọi người đều trang phục đẹp, lịch sự, nói với nhau bằng những lời chúc tốt đẹp nhất.