Cùng Lead The Change điểm qua bản tin hot ngày 15.7
- Quảng cáo tốn nhiều tài nguyên hệ thống sẽ bị Google Chrome chặn tự động
- Tình trạng huỷ chuyến của các hãng hàng không vẫn gia tăng từng ngày
- Kế hoạch IPO lớn nhất thế giới năm 2019 vừa bị hủy
- OYO trở thành chuỗi khách sạn lớn thứ ba thế giới
Quảng cáo tốn nhiều tài nguyên hệ thống sẽ bị Google Chrome chặn tự động
Google đang chuẩn bị một trình chặn quảng cáo mới dành cho Chrome, nhưng không giống với các trình chặn quảng cáo thông thường, mục tiêu của trình chặn này là những quảng cáo sử dụng quá nhiều tài nguyên hệ thống.
Cam kết cho biết: “Trình chặn này sẽ cho phép hiển thị các quảng cáo trong mức .1% băng thông, .1% CPU và .1% thời gian phản hồi CPU. Mức hiện tại là 4MB băng thông và 60 giây phản hồi CPU, các thông số sẽ thay đổi khi có nhiều dữ liệu hơn. Thay đổi này sẽ có thêm tính năng gỡ bỏ các iframe quảng cáo sử dụng quá nhiều tài nguyên hệ thống, và tính năng này sẽ được đưa vào phần UX của các trang web.”
Bất cứ khi nào trình duyệt phát hiện một quảng cáo như vậy và chặn nó, người dùng sẽ nhận được một thông báo đại loại như “Quảng cáo này đã bị chặn vì sử dụng quá nhiều tài nguyên hệ thống của bạn.”
Hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể về ngày ra mắt, và người dùng khả dụng của trình chặn mới, nhưng theo nội dung cam kết thì không lâu nữa sẽ có bản dựng Canary cho trình duyệt, và chúng ta có thể thử nó trước ngày ra mắt.
Thực tế, đã và đang có rất nhiều người dùng chạy trình chặn quảng cáo, không chỉ các quảng cáo “nặng”, các trình chặn này thường chặn tất cả quảng cáo trên trang. Tuy nhiên, nếu tính năng này được triển khai trực tiếp trên Chrome thì đó lại là một câu chuyện khác, tất cả những người dùng Chrome sẽ được bảo vệ khỏi những quảng cáo ngốn tài nguyên mà không cần cài đặt các trình chặn quảng cáo của bên thứ ba.
Tình trạng huỷ chuyến của các hãng hàng không vẫn gia tăng từng ngày
Báo cáo về chất lượng dịch vụ hàng không 6 tháng đầu năm 2019, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hành khách hàng không 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so cùng kỳ 2018.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng đạt 9,4% so cùng kỳ 2018 và sản lượng đạt 38,5 triệu khách. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt hành khách tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách tăng 7,7%.
Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 Cảng hàng không trong đó trong đó Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) khai thác 09 đường bay, Bamboo Airways khai thác 24 đường bay.
Tổng khách vận chuyển: 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, với thị phần như sau: Vietnam Airlines chiếm 35,9%, Vasco là 2%, Vietjet chiếm 44%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và Bamboo Airways chiếm 4,2%.
6 tháng đầu năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 153 nghìn chuyến bay, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 130 nghìn chuyến, chiếm tỷ lệ 84,8%, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ giảm 1,3 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay hủy là 274 chuyến, chiếm tỷ lệ 0,2%, tăng 0,1 điểm so với cùng kỳ năm 2018.
Tỷ lệ số chuyến bay cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam như sau: Bamboo Airways là hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ cao nhất là 93,8%. Tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ của Vasco, Vietnam Airlines và VietJet Air lần lượt là 93%, 89,1% và 81,5, giảm tương ứng 3,9 điểm, 0,2 điểm và 1,5 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ của Jetstar Pacific đạt 78,1%, giảm 2,6 điểm so với cùng kỳ năm 2018.
Các nhóm nguyên nhân chính gây nên việc chuyến bay bị chậm vẫn tập trung ở ba nhóm chính là do tàu bay về muộn với 13,8 nghìn chuyến chậm. Nguyên nhân do hãng hàng không với 5,5 nghìn chuyến bay cất cánh chậm và nguyên nhân do trang thiết bị tại cảng hàng không với 2,7 nghìn chuyến chậm.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm VietJet Air và Vasco là hai hãng hàng không có số chuyến bay hủy cao so với các hãng hàng không còn lại với 110 chuyến hủy. Nguyên nhân hủy chuyến của Vasco tập trung vào hai nguyên nhân là thời tiết, kỹ thuật.
Vasco hiện đang khai thác các đường bay xuất phát từ Nội Bài đi/đến Vinh, Điện Biên, Đồng Hới bằng tàu bay TR72 và các cảng hàng không này thường xuyên gặp phải vấn đề về thời tiết xấu kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là Cảng hàng không Điện Biên (khai thác 2 chuyến/ngày) nên không thể tiếp nhận các chuyến bay khai thác dẫn đến số lượng chuyến bay bị hủy tăng cao, kéo theo tỷ lệ hủy chuyến của hãng tăng cao so với cùng kỳ.
Còn nguyên nhân hủy chuyến của VietJet Air tăng (hủy chuyến trong giai đoạn từ ngày 13/6 đến ngày 16/6) là do một số phi công của hãng có thời gian làm việc quá quy định. Nguyên nhân này xuất phát từ việc VJ chuyển đổi phần mềm quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS).
Kế hoạch IPO lớn nhất thế giới năm 2019 vừa bị hủy
Hãng bia Anheuser-Busch InBev (AB InBev) ngày 12/7 tuyên bố sẽ không thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương, tức Budweiser Brewing Company APAC.
Theo tin từ Reuters, AB InBev nói rằng việc hủy vụ phát hành này xuất phát từ “nhiều yếu tố, bao gồm tình hình thị trường”.
Nếu được triển khai, vụ phát hành này sẽ diễn ra trên sàn chứng khoán Hồng Kông và sẽ là vụ IPO lớn nhất thế giới năm 2019. Theo kế hoạch ban đầu, công ty sẽ huy động tới 9,8 tỷ USD thông qua chào bán cổ phiếu lần đầu.
Việc Budweiser APAC hủy kế hoạch IPO – trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài – phát đi một tín hiệu bi quan về triển vọng các vụ phát hành lớn khác dự kiến diễn ra ở Hồng Kông, trong đó có kế hoạch niêm yết lần hai của hãng thương mại điện tử Alibaba.
Budweiser APAC sở hữu hơn 50 thương hiệu bia khác nhau, từ Stella Artois tới Corona. Giới thạo tin nói rằng trước khi bị hủy, kế hoạch IPO của công ty này đã nhận được mối quan tâm từ nhiều quỹ đầu cơ, nhà quản lý tài sản tư nhân, cũng như nhiều nhà đầu cơ giá lên từ Mỹ. Tuy nhiên, theo nguồn tin, mức cầu từ các nhà đầu tư dài hạn là không đủ, khiến công ty phải đi đến quyết định hủy kế hoạch.
Lúc đầu, Budweiser APAC tính sẽ huy động từ 8,3-9,8 tỷ USD thông qua vụ phát hành và sẽ dùng phần lớn số tiền này cho việc trả bớt nợ nần tại công ty mẹ. Nếu được niêm yết, cổ phiếu công ty sẽ bắt đầu giao dịch từ ngày 19/7.
AB InBev, hãng bia lớn nhất thế giới, đang nỗ lực giảm bớt khối nợ hơn 100 tỷ USD. Một phần của khối nợ này là kết quả của việc mua lại đối thủ SABMiller vào cuối năm 2016.
Dù tăng 36% từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu AB InBev vẫn giảm 11% trong vòng 1 năm trở lại đây.
Châu Á-Thái Bình Dương đang là thị trường quan trọng hàng đầu của AB InBev, nơi doanh thu của công ty tăng mạnh do người tiêu dùng với thu nhập tăng ngày càng chuộng các thương hiệu bia cao cấp.
Cho đến thời điểm hiện tại, vụ IPO lớn nhất 2019 là vụ phát hành huy động được 8,1 tỷ USD của ứng dụng gọi xe Uber diễn ra hồi tháng 5 tại thị trường New York.
Về phần mình, Alibaba dự kiến sẽ huy động tới 20 tỷ USD thông qua niêm yết lần hai tại Hồng Kông.
Tháng trước, công ty bất động sản hậu cần ESR Cayman cũng đã tạm gác kế hoạch IPO trị giá 1,24 tỷ USD tại thị trường Hồng Kông do thiếu yên tâm về điều kiện thị trường hiện tại.
OYO trở thành chuỗi khách sạn lớn thứ ba thế giới
Tính tới tháng 6.2019, OYO sở hữu 850.000 phòng cho thuê tại 80 quốc gia và vươn lên vị trí chuỗi khách sạn có quy mô lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau hai cái tên danh tiếng Marriot và Hilton. Đầu tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp này cũng chính thức vào thị trường Việt Nam.
Tuy mới ra đời được sáu năm, mô hình kinh doanh và vận hành khách sạn nhượng quyền giá bình dân trên cơ sở công nghệ của OYO đã giúp công ty nhanh chóng bành trướng sang 800 thành phố khác nhau trên thế giới.
Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của OYO với hệ thống 500.000 phòng tại 337 thành phố khác nhau. Ngoài ra chuỗi khách sạn này cũng đang nắm 20.000 phòng khách sạn tại 80 thành phố của Indonesia.
“Tỷ lệ lấp đầy phòng của chúng tôi đã tăng hơn 30%, doanh thu trên số phòng sẵn sàng bán (RevPAR) và lợi nhuận tăng 2,5 lần. Chúng tôi có một cơ hội tuyệt vời ở phía trước. Tất cả chỉ mới bắt đầu,” ông Ritesh Agarwal, nhà sáng lập và giám đốc điều hành OYO Hotels & Homes bày tỏ trong thông cáo phát ngày 12.7.
OYO đã nhận được 1,1 tỉ USD đầu tư từ các tên tuổi lớn như SoftBank, Grab, Didi Chuxing. Nguồn vốn khổng lồ này đã đẩy vốn hóa công ty lên 5 tỉ USD và trở thành một đối thủ đáng gờm trên thị trường du lịch.
Không dừng lại ở việc cho thuê phòng khách sạn bình dân với giá trung bình 25 USD/đêm, “kỳ lân Ấn Độ” còn đang lấn sang thị trường nghỉ dưỡng cao cấp bằng hệ thống Pallette Resorts với mức giá khoảng 100 USD/đêm.
Năm 2018, OYO cho ra mắt weddingz.in, một dịch vụ cung cấp địa điểm, thức ăn và hoạt động quản lý cho đám cưới tại thị trường quê nhà Ấn Độ. Tại Nhật Bản, doanh nghiệp này đã bắt tay cùng Yahoo Nhật Bản cung cấp dịch vụ cho thuê nhà dài hạn dưới cái tên OYO Life.
Đầu tháng 7 rồi, OYO cũng chính thức vào thị trường Việt Nam với hơn 90 khách sạn nhượng quyền tại sáu thành phố, đồng thời cam kết sẽ đầu tư hơn 50 triệu USD để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh.