Cùng Lead The Change điểm qua những tin tức chính trong chuyên mục Hot News ngày 7/7/2019:
- Việt Nam sẽ cấm đồ nhựa dùng một lần
- Vietjet dự định mở sàn thương mại điện tử
- Việt Nam trở thành cường quốc ASEAN về năng lượng sạch
- Huawei mở cửa hàng lớn nhất bên ngoài Trung Quốc
Việt Nam sẽ cấm đồ nhựa dùng một lần
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm chống rác thải nhựa. Trước đó tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, tổ chức ở Hà Nội ngày 9-6, Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Mạnh tay với phế liệu nhập khẩu
Về công tác quản lý đối với phế liệu nhập khẩu, trong đó có phế liệu nhựa, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết nghị định 40 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-7 đã khắc phục được những bất cập trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Đặc biệt, đối với nhựa phế liệu, nghị định 40 quy định chặt chẽ hơn, đó là chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.
“Trong nghị định sửa đổi lần này đã đưa vào quy định từ 1-1-2025 chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm có giá trị thương mại cao, chứ không cho nhập khẩu phế liệu về để sản xuất ra các sản phẩm trung gian như hạt nhựa hay bột giấy nữa” – một lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho hay.
Cấm là hữu hiệu nhất
Trong số các biện pháp giúp giảm tiêu thụ những loại đồ nhựa dùng một lần thì việc ban hành lệnh cấm hiện vẫn là giải pháp hiệu quả nhất. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, việc sử dụng túi nhựa đã giảm tới 80% kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực trên toàn quốc vào đầu năm nay, theo trang Sustainability Times.
Theo Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc, cho đến nay hơn 80 quốc gia đã đưa ra các lệnh cấm sử dụng đồ nhựa như vậy. Nhiều quốc gia đã nối đuôi nhau cấm hoặc đánh thuế đối với các túi nhựa dùng một lần như Úc, Anh, Pháp, Hà Lan, New Zealand…
Trong khi đó, theo Đài CNN, Kenya có lẽ là trường hợp ban hành luật hà khắc nhất: những ai bán hoặc sử dụng túi nhựa có thể đối mặt án tù 4 năm hoặc mức phạt lên tới 39.000 USD. Mới nhất là New Zealand với lệnh cấm túi nhựa dùng một lần chính thức có hiệu lực từ đầu tháng này, những nhà bán lẻ nào vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt lên tới 67.000 USD.
Phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu
Bình luận về tuyên bố của Thủ tướng, bà Huỳnh Thị Mỹ – tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) – nói: “Việt Nam đã và đang hòa nhập ngày một sâu rộng với nền kinh tế thế giới và thông điệp nêu trên của Thủ tướng hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của toàn cầu nói chung, cũng như mục tiêu quan trọng về môi trường mà Việt Nam nỗ lực hướng đến.
Mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được khi có sự đồng bộ phối hợp chặt chẽ từ chính sách đến các biện pháp thực thi, giữa chính quyền và mỗi người dân trong từng cụm dân cư”.
* Nhưng thực tế, vấn nạn túi nilông đang tràn lan, rất khó kiểm soát và giảm thiểu?
– Với vấn nạn túi nilông, muốn giảm thiểu sử dụng cần áp dụng đồng bộ và lâu dài nhiều giải pháp quản lý, bao gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp kinh tế, các giải pháp khuyến khích và tuyên truyền ngắn hạn lẫn dài hạn.
Từ đó mới tiến đến hạn chế và xa hơn là tiến tới cấm sử dụng. Muốn vậy, từ bây giờ phải xác định loại hình túi đựng hàng có thể thay thế ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra chính sách nhằm định hướng người bán lẻ cũng như người tiêu dùng chuyển từ sử dụng túi nilông sang loại túi đựng hàng thân thiện với môi trường một cách tự nguyện hoặc bắt buộc.
* Việt Nam thải ra lượng nhựa lớn, trong đó rất nhiều nhựa dùng một lần. Nhưng việc thu gom, tái chế hiện nay chưa phát triển tương ứng?
– Nói đến năng lực xử lý rác thải thì phải nói đến cả một quy trình, từ thu gom rác thải đến phân loại và điểm đến cuối là các dây chuyền tái chế.
Trong quy trình này, chúng tôi đánh giá hệ thống thu gom truyền thống là “lực lượng” thu lượm ve chai đã làm rất tốt công việc của mình. Họ không bỏ sót bất cứ vật dụng nào, dù nhỏ nhất, đặc biệt với rác thải loại từ nhựa. Vì đó chính là tiền, là nguồn lợi lớn nhất.
Tôi xin nhấn mạnh: không có nguồn thải từ nhựa nào là không có giá trị cả.
Còn ở khâu phân loại rác thải sinh hoạt thì lại chưa có sự đồng bộ phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình, khiến các dây chuyền xử lý rác thải còn lẫn nhựa sau thu gom không có sự đồng nhất, không đảm bảo hiệu quả vận hành cho một quy trình tái chế rác thải công nghiệp chuẩn.
Điều này đưa đến những chu trình liên quan đến xử lý rác thải đều dừng ở mức trung bình theo kiểu “làng nghề” đối với thành phần thu gom ve chai. Còn tầm doanh nghiệp thì quy mô rời rạc. Theo tôi, nên giao cho tư nhân nếu Nhà nước không thể đảm đương được việc thu gom rác thải sinh hoạt để phân loại từ đầu nguồn.
Vietjet dự định mở sàn thương mại điện tử
Theo thông tin từ Nikkei, hãng hàng không giá rẻ Vietjet vừa tiết lộ kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử bán tất cả mọi thứ, từ hàng tiêu dùng đến dịch vụ tài chính. Động thái này của Vietjet được cho là giống hãng hàng không AirAsia của Malaysia trong việc tìm kiếm phương thức mới để tạo ra lợi nhuận từ dữ liệu khách hàng.
AirAsia nhắm tới việc thiết lập một nền tảng du lịch và fintech trực tuyến chủ yếu thông qua các công ty con. Hãng đang đầu tư 20 triệu USD mỗi năm cho nỗ lực đa dạng hóa của mình.
Trong khi đó, Vietjet đặt mục tiêu triển khai dịch vụ trong vòng hai năm và hợp tác với các ngân hàng, khách sạn cùng nhiều công ty khác. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ con số chính xác sẽ đầu tư cho kế hoạch sắp tới.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietjet, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, các hãng hàng không giá rẻ đang có xu hướng tìm cách tận dụng dữ liệu phong phú của họ để mở rộng phạm vi ra ngoài du lịch và xâm nhập sâu hơn vào nhiều lĩnh vực đời sống thường ngày của người tiêu dùng.
Bà Bình chia sẻ với Nikkei Asian Review: “Theo khái niệm của chúng tôi về ‘Hãng hàng không tiêu dùng’, chúng tôi sẽ có một nền tảng thương mại điện tử để phục vụ không chỉ vé máy bay mà bất cứ thứ gì khách hàng cần. Tất cả các nhà cung cấp và đối tác sẽ tham gia nền tảng để phục vụ sản phẩm cho không chỉ 30 triệu khách hàng của chúng tôi mà là hàng trăm triệu khách hàng tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới”.
Theo bà Bình, nền tảng này sẽ bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính cũng như khách sạn và hàng tiêu dùng… Ý tưởng là để các công ty đối tác trong những lĩnh vực trên tham gia nền tảng của Vietjet và sử dụng công nghệ blockchain để chia sẻ giao dịch lẫn nhau một cách thuận lợi hơn. Hãng cho biết họ đã đàm phán với một số công ty về kế hoạch này.
Bà Bình nói rằng đối tượng mục tiêu hiện tại là tập khách hàng của hãng, số lượng dự kiến sẽ đạt 30 triệu người trong năm nay, tăng 30% so với năm 2018. Tuy nhiên, bà Bình tin rằng sau hai năm nữa, hành khách sẽ không phải là những người duy nhất sử dụng nền tảng của Vietjet. Bà tiết lộ: “Chúng tôi đang tích hợp với các công ty từng bước để làm cho hệ thống phong phú hơn”.
Vietjet đang nỗ lực tăng doanh thu phụ trợ đến từ việc bán sản phẩm và dịch vụ không liên quan đến vé máy bay do chi phí nhiên liệu tăng gây áp lực lên hoạt động kinh doanh vận tải cốt lõi. Trong quý đầu của năm tài chính 2019, tổng doanh thu du lịch hàng không của công ty đã tăng 28%, trong đó riêng doanh thu phụ trợ tăng 45%.
Nền tảng của Vietjet đã bắt đầu có những bước đi đầu tiên. Tháng trước, hãng hợp tác với công ty Tài chính HD Saison (Công ty liên doanh giữa HD Bank và tập đoàn tài chính Nhật Bản Credit Saison) triển khai sản phẩm cho vay trả góp vé máy bay với khoản vay từ 2 triệu đồng đến 15 triệu đồng mà không cần phải trả trước hay chứng minh thu nhập cá nhân.
AirAsia dự định mở rộng dịch vụ trực tuyến và đặt mục tiêu vận chuyển hơn 100 triệu hành khách trong năm nay. Động lực của họ cũng tương tự như Vietjet: Bảo đảm các nguồn doanh thu thay thế khi lợi nhuận giảm trong bối cảnh chi phí nhiên liệu và cạnh tranh tăng cao. Đầu năm nay, CEO Tony Fernandes của Air Asia cho biết ông có kế hoạch đầu tư 24,6 triệu USD mỗi năm để biến AirAsia thành một công ty dẫn đầu về công nghệ.
Ngày 1/7 vừa qua, bà Bình đã có mặt tại Tokyo để thông báo ra mắt hai đường bay mới: Hồ Chí Minh – Tokyo và Đà Nẵng – Tokyo. Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều quan chức cao cấp của Nhật Bản.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2011, Vietjet Air đã phát triển nhanh chóng. Hiện hãng đang khai thác 119 đường bay trong nước và quốc tế với đội bay gần 80 máy bay. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% đã khiến người dân chi nhiều tiền cho du lịch hơn.
Tuy nhiên, cạnh tranh đang ngày càng nóng lên. Đầu năm nay, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và người chơi mới Bamboo Airways đều tiết lộ kế hoạch khai thác đường bay thẳng đến Mỹ.
Khi được hỏi về dự định liên quan đến vấn đề này, bà Bình cho biết Vietjet đang tập trung vào thị trường nội địa và châu Á, “nơi chúng tôi đã phục vụ một nửa dân số thế giới”. Mặc dù vậy, hãng cũng đang nghiên cứu tính khả thi của việc hoạt động bên ngoài châu Á với một đội bay phù hợp để phục vụ các tuyến đường dài.
Tháng 2 vừa qua, Vietjet đã mua thêm 100 máy bay Boeing 737 Max, dòng máy bay liên quan đến hai vụ tai nạn chết người kể từ tháng 10 năm ngoái. Bà Bình cho biết công ty vẫn đang chờ phản hồi chính thức từ Boeing và chính quyền Mỹ cũng như Việt Nam về việc khi nào dòng máy bay này có thể hoạt động trở lại. Bà cho biết thêm rằng Vietjet cũng sẽ nhận máy bay từ Airbus và một số công ty cho thuê quốc tế khác.
Việt Nam trở thành cường quốc ASEAN về năng lượng sạch
Việt Nam vượt qua Australia về tốc độ phát triển điện mặt trời, trở thành cường quốc Đông Nam Á về năng lượng sạch.
Số liệu của hãng Rystad Energy cho thấy năm vừa qua, sản lượng điện mặt trời của Australia tăng trưởng 4 lần từ 600 Mwac lên 2,7 Gwac trong khi Việt Nam tăng tới 400 lần, từ 10 Mwac lên 4 Gwac.
Hơn 60% sản lượng điện mặt trời của Việt Nam thuộc những dự án mới hòa vào lưới điện quốc gia trong tháng 6/2019 khi các nhà đầu tư cố gắng hoàn thành trước ngày 30/6 để được nhận ưu đãi thuế. Hãng Rystad đặc biệt nhấn mạnh thời gian hoàn thành dự án điện mặt trời bình quân tại Việt Nam là 275 ngày, một tốc độ được đánh giá là cực kỳ nhanh.
Hãng thông tấn xã Việt Nam (VNA) đã trích dẫn số liệu của Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy cả nước đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia. Điều này có nghĩa là điện mặt trời hiện chiếm 10% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm nay.
Huawei mở cửa hàng lớn nhất bên ngoài Trung Quốc
Ngày 6/7, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei đã khai trương cửa hàng lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Cửa hàng nằm tại Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Cửa hàng có hai tầng, rộng 1.100m2, nằm ngay ở trung tâm Thành phố Madrid. Tại đây, khách có thể trải nghiệm các công nghệ mới nhất của Huawei, bao gồm thiết bị, tiện ích 5G, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Khách cũng có thể trải nghiệm các sản phẩm mà hãng này đã ra mắt như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân.
Hơn 1.000 người đã đến tham quan, mua sắm tại cửa hàng trong ngày khai trương.