Cùng Lead The Change cập nhật tin tức hot nhất ngày hôm nay:
- ViettelPost tung ứng dụng gọi xe MyGo từ 01/7, tham vọng chuyển mình thành công ty công nghệ
- Viettel Post bất ngờ ra mắt TMĐT Vỏ Sò, lấn sân vào chiến địa của Shopee, Tiki và Lazada
- Dự án tiền ảo của Facebook hút đầu tư từ Mastercard, Visa và Uber
- Việt Nam thuộc top các nước châu Á hưởng lợi từ làn sóng thuê ngoài của nền kinh tế chia sẻ với sự góp mặt của Grab, Airbnb
Viettel Post tung ứng dụng gọi xe MyGo từ 01/7, tham vọng chuyển mình thành công ty công nghệ
Trao đổi với ICTnews, đại diện truyền thông ViettelPost cho biết, ứng dụng gọi xe công nghệ MyGo sẽ chính thức ra mắt vào ngày 1/7 tới.
Một nguồn tin nội bộ cũng cho hay, ViettelPost sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ này tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lần lượt vào các ngày 12/6 và 14/6, phiên bản chạy hệ điều hành Android và iOS của các app MyGo (dành cho người dùng dịch vụ) và MyGo Driver (dành cho các tài xế công nghệ) đã lần lượt được Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel đưa lên kho ứng dụng Google Play và Apple Store để triển khai thử nghiệm.
Qua tìm hiểu trên MyGo, ứng dụng này hiện có các tính năng: gọi xe máy, gọi xe ô tô, dịch vụ giao hàng và dịch vụ vận chuyển hàng bằng xe tải.
Theo thống kê, sau hơn 2 ngày đưa lên Google Play và 1 ngày có mặt trên kho ứng dụng của Apple, app MyGo Driver đã có hơn 30.000 lượt tải và tổng số lượt tải của cả 2 phiên bản Android, iOS của ứng dụng MyGo là trên 33.000 lượt. Không những thế, trên các tỉnh, thành phố trong cả nước, hiện trung bình mỗi ngày đã có khoảng vài chục cuốc xe được gọi từ ứng dụng MyGo được thực hiện.
Đáng chú ý, nguồn tin nội bộ nói trên cũng tiết lộ, các app MyGo và MyGo Driver do chính người ViettelPost phát triển. Thông tin này đã một lần nữa minh chứng cho định hướng chuyển dịch thành công ty công nghệ bưu chính từng được Tổng giám đốc ViettelPost Trần Trung Hưng chia sẽ trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tổng công ty hồi tháng 7/2017.
Được phát triển trên nền tảng ứng dụng My ViettelPost và VTPost, ứng dụng ViettelPost còn tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng ghi nhớ thông tin đơn hàng, cập nhật dữ liệu hàng hóa, phân tích các nội dung, sản phẩm mà người dùng quan tâm từ đó tự động đề xuất những gợi ý phù hợp.
Viettel Post bất ngờ ra mắt TMĐT Vỏ Sò, lấn sân vào chiến địa của Shopee, Tiki và Lazada
Theo thông tin chia sẻ trên Fanpage Viettel Post, sàn thương mại điện tử này có tên gọi Vỏ Sò, địa chỉ truy cập là voso.vn.
Khi truy cập vào địa chỉ web Voso.vn, có thể nhận thấy sàn thương mại điện tử này đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Các hàng hóa dịch vụ cũng hết sức đa dạng, gồm nhiều nhóm như hàng điện tử, gia dụng; máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng; ô tô, xe máy, xe đạp; thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe; thiết bị nội thất, ngoại thất; sách, văn phòng phẩm; hoa, quà tặng, đồ chơi; thực phẩm, đồ uống; dịch vụ lưu trú và du lịch,…
Trong phần giới thiệu cụ thể, Vò Sỏ xác định mục tiêu sẽ trở thành sàn thương mại điện tử số 1 Việt Nam.
Theo thông tin từ Iprice, tính đến quý 1/2019, Shopee là sàn thương mại có vị trí dẫn đầu với 40 triệu lượt truy cập web mỗi tháng, theo sau là Tiki với hơn 35 triệu và Lazada ở mức 29 triệu. Tuy nhiên điểm chung là cả 3 sàn này đều chưa có lãi, và mức lỗ lũy kế đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Dù cạnh tranh khốc liệt nhưng TMĐT vẫn là thị trường đầy hấp dẫn. Theo báo cáo chỉ số TMĐT 2019 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) mới công bố gần đây, quy mô thị trường năm 2018 ở mức 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.
Dự án tiền ảo của Facebook hút đầu tư từ Mastercard, Visa và Uber
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), dự án mang tên Libra để phát hành tiền ảo riêng của Facebook đã thu hút vốn đầu tư từ nhiều tên tuổi lớn, bao gồm Visa, Mastercard, Paypal và Uber.
Nguồn tin thân cận của WSJ cho biết các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, thương mại điện tử, đầu tư mạo hiểm và viễn thông, đã đầu tư khoảng 10 triệu USD mỗi công ty vào dự án này. Các cuộc thảo luận với nhóm nhà đầu tư này vẫn đang được thực hiện và danh sách nhà đầu tư cuối cùng có thể sẽ thay đổi. Nhóm này được gọi là “Liên minh Libra”.
Sau nhiều đồn đoán, tiền ảo mang tên GlobalCoin của Facebook dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào ngày 18/6 tới, và sản phẩm đi liền với tiền ảo này bắt đầu hoạt động vào năm sau.
Theo nhiều nhà phân tích, việc Facebook phát hành tiền ảo là bước tiến lớn đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, cho thấy rằng một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới cũng đang ủng hộ tiền ảo dựa trên nền tảng chuỗi khối (blockchain). Động thái này mở cánh cửa của thế giới tiền ảo cho hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Facebook hiện có tổng cộng 2,7 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Thông tin về việc sẽ mắt tiền ảo vào tuần tới đã giúp cổ phiếu Facebook tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Ngoài thông tin hợp tác với nhóm công ty lớn gồm Visa, Mastercard, PayPal và Uber được tờ WSJ đăng tải, người phát ngôn của Facebook xác nhận rằng nhà vận động hành lang cho ngân hàng Ed Bowles sẽ gia nhập công ty này nhưng từ chối bình luận thêm.
Theo nguồn tin của Bloomberg, chức danh của Bowles tại Facebook sẽ là giám đốc phụ trách chính sách công khu vực Bắc Âu.
Việt Nam thuộc top các nước châu Á hưởng lợi từ làn sóng thuê ngoài của nền kinh tế chia sẻ với sự góp mặt của Grab, Airbnb
Theo báo cáo, các hoạt động kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng số đang “tái cấu trúc lại thị trường lao động, thị trường toàn cầu và chuỗi cung ứng”. Ước tính, nền kinh tế chia sẻ toàn cầu tạo ra 10.000 tỉ USD lợi nhuận cho doanh nghiệp và xã hội tới năm 2025.
Các mô hình kinh doanh chia sẻ với những tên tuổi hàng đầu ở lĩnh vực thương mại điện tử (Amazon, Alibaba, eBay), giao thông (Grab, Uber), tiện ích phòng ở (Airbnb, HomeAway, TravelMob), hoặc dịch vụ lao động (Freelancer, UpWork, Triip.me) đang bắt đầu thịnh hành ở khu vực châu Á.
Nền kinh tế chia sẻ không chỉ làm gia tăng các công việc thuê ngoài, mà còn đem lại lợi ích rất lớn cho nhiều nước châu Á đang phát triển, cụ thể là các ngành phát triển phần mềm, sáng tạo truyền thông…
Trong xu hướng đó, Việt Nam cùng với Indonesia, Trung Quốc, Malaysia là những nước thuộc top các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất.
Ở Việt Nam, giai đoạn 1988 – 2018 chứng kiến tỉ lệ ngành dịch vụ trong GDP gia tăng mạnh mẽ từ 29,7% lên 40,9%. Điều này càng ngày càng tạo ra thuận lợi cho người dân tham gia vào nền kinh tế sẻ chia, nhất là những người làm trong ngành công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, các startup Việt Nam tăng trưởng rất nhanh vào khoảng thời gian nói trên. Từ con số 400 startup năm 2012 tăng lên đến 3000 startup vào năm 2017.
Báo cáo cho thấy rằng doanh nghiệp Việt Nam khá tự tin với tình hình kinh tế đất nước. Có 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhận định khả quan về xu hướng tăng trưởng, tỉ lệ này cao hơn 20% so với mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức liên quan đến chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đối với Việt Nam.
Theo dự báo, Việt Nam có thể thiếu 500.000 lao động bậc cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến năm 2020. Bên cạnh đó, mặc dù môi trường giáo dục được cải thiện nhưng chính sách dành cho giáo dục ĐH chưa được chú trọng.
Để giải quyết các vấn đề đặt ra của nền kinh tế số, các chuyên gia khuyến nghị khu vực giáo dục ĐH nên hướng đến giải pháp học tập thông qua các khoá học trực tuyến mở.
Mô hình này tạo ra cơ hội hợp tác với các công ty đào tạo và các trường ĐH quốc tế, giúp cho lực lượng lao động tương lai của Việt Nam bổ sung thêm những kỹ năng mới với chi phí tối thiểu.