Cùng Lead The Change điểm qua các tin tức chính ngày 5/6 trong chuyên mục Hotnews:
- Ô nhiễm không khí gia tăng ở các đô thị lớn
- Samsung gia nhập “cuộc đua” phát triển công nghệ 6G
- Một tập đoàn ô tô khổng lồ sắp ra đời
- Zara và H&M tại Việt Nam 2018 tăng trưởng mạnh thu về 2.500 tỷ đồng
Ô nhiễm không khí gia tăng ở các đô thị lớn
Tại Việt Nam, nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí ở một số thời điểm, nhất là ô nhiễm bụi mịn.
Dù nhiều giải pháp được thực thi nhằm giảm thiểu tình trạng này, nhưng ô nhiễm bụi vẫn đang tác động trực tiếp đến chất lượng sống của người dân đô thị. Khí thải từ xe cơ giới, phát thải công nghiệp, đặc biệt mật độ dày đặc các công trình xây dựng là nguyên nhân của tình trạng này.
Ghi nhận tại khu vực gần chân cầu Thăng Long, Hà Nội, hàng trăm chiếc xe chở đất, đá, cát sỏi đều vận chuyển mà không được che chắn cẩn thận, rơi vãi trên đường.
Tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, khí thải từ các phương tiện xe cơ giới, bụi bay mù mịt. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đây là một trong những nơi thường xuyên có chất lượng không khí ở mức thấp nhất trên địa bàn thành phố. Chưa biết hiệu quả che chắn bụi đến đâu, nhưng từ người lớn đến trẻ nhỏ, việc đeo khẩu trang kín mít khi đi đường đang là biện pháp phần lớn người dân áp dụng để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.
Còn tại TP.HCM, nhiều thời điểm, tình trạng ô nhiễm không khí cũng ở ngưỡng đáng báo động. Khí thải từ các phương tiện xe cơ giới và đặc biệt, khí thải từ gần 1.000 máy máy, xí nghiệp quy mô lớn thải ra mỗi ngày đã khiến không khí tại đây nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng.
Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về số người tử vong do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí. Những số liệu này khiến các ngành chức năng phải suy nghĩ để có giải pháp mạnh tay trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
Samsung gia nhập “cuộc đua” phát triển công nghệ 6G
Một quan chức của công ty Samsung Electronics Co. ngày 4/6 cho biết công ty đã mở một trung tâm nghiên cứu mới để phát triển công nghệ mạng 6G.
Samsung Research, một cơ sở nghiên cứu và phát triển tiên tiến của Samsung Electronics, gần đây đã nâng cấp nhóm nghiên cứu mạng viễn thông thế hệ tiếp theo lên thành một trung tâm phát triển giải pháp và tiêu chuẩn hóa công nghệ mạng 6G.
Trong khi mạng 5G mới được tung ra tại một số thị trường và mạng 4G LTE vẫn được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia, việc phát triển mạng 6G là một phần trong kế hoạch kinh doanh dài hạn của Samsung, nhằm đi đầu trong công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo.
Đầu tháng Tư, Samsung đã tung ra Galaxy S10 5G, chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới sử dụng mạng 5G, và thúc đẩy các giải pháp 5G có thể được sử dụng trong các mảng kinh doanh mới của công ty này như xe tự lái, nhà máy thông minh và IoT (mạng lưới vạn vật kết nối Internet).
Trước đó, hồi tháng 1/2019, LG Electronics đã hợp tác với Viện khoa học công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) mở một trung tâm nghiên cứu mạng 6G. KT Corp., công ty cung cấp mạng di động lớn thứ hai Hàn Quốc, hồi tuần trước cũng đã ký một thỏa thuận với trường Đại học Quốc gia Seoul (SNU) để hợp tác nghiên cứu mạng 6G.
Một tập đoàn ô tô khổng lồ sắp ra đời
Mới đây, lãnh đạo Fiat Chrysler Automobiles và tập đoàn đa châu lục Renault – Nissan – Mitsubishi đã ngồi bàn luận khả năng sáp nhập 2 thế lực hàng đầu thế giới này.
Trước đó, ngày 27/5, nhà sản xuất ô tô Pháp Renault cho biết, họ sẽ nghiên cứu đề xuất từ FCA khi công ty này sẽ cấp cho các cổ đông của Renault quyền sở hữu 50% cổ phần của liên minh này nếu hai bên liên kết.
Trong những năm gần đây, xu hướng hợp tác giữa các nhà sản xuất ô tô đã tăng mạnh khi ngày càng chịu nhiều áp lực hơn từ những thương hiệu xe điện mới nổi như Tesla hay các công ty công nghệ trong đó có Uber.
Zara và H&M tại Việt Nam 2018 tăng trưởng mạnh thu về 2.500 tỷ đồng
Đánh trúng tâm lý thích thời trang ngoại giá bình dân của người Việt, Zara và H&M tăng trưởng phi mã, thu về 2.500 tỷ đồng chỉ trong năm 2018.
Chỉ sau 2-3 năm đổ bộ vào thị trường Việt Nam, những số liệu tài chính đã cho thấy những thương hiệu thời trang ngoại có mức giá bình dân như Zara, H&M và sắp tới có thêm Uniqlo gia nhập đang có sức hấp dẫn lớn như thế nào đối với người Việt.
Năm 2018, theo báo cáo của Mitra Adiperkasa, doanh thu của tập đoàn này tại Việt Nam đạt khoảng 2.000 tỷ đồng – trong đó riêng thương hiệu Zara tăng trưởng gấp rưỡi lên gần 1.700 tỷ đồng, tương đương doanh thu bình quân khoảng 4,6 tỷ đồng/ngày.
Với kết quả hiện tại thì Zara cùng các thương hiệu Pull & Bear, Stradivarius… do Mitra Adiperkasa đã gần tương đương với đế chế hàng hiệu IPP Group của ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bỏ xa các tập đoàn bán lẻ thời trang và hàng xa xỉ lớn khác như Tam Sơn Fashion (Hermes, Bottega Veneta, Boss…) của OpenAsia Group hay MaiSon International Retail (Mango, Topshop Topman, Charles & Keith…). Trong khi đó, các thương hiệu thời trang trong nước vẫn còn khá nhỏ để đặt lên so sánh.
Dù có số cửa hàng nhiều hơn hẳn nhưng doanh số của H&M Việt Nam vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với Zara. Năm 2017 chỉ với 4 tháng kinh doanh, H&M đạt doanh thu gần 230 tỷ đồng. Sang năm 2018, doanh thu tăng gấp hơn 3 lần lên 760 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu gần bằng 1/2 nhưng lợi nhuận năm 2018 của H&M chỉ đạt 15 tỷ đồng, chưa bằng 1/6 so với con số 98 tỷ đồng của Zara.