Tôn trọng sự đa dạng là một trong những yếu tố giúp bạn dễ dàng thích nghi ở môi trường quốc tế. Trong tập này, các bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về sự đa dạng từ những chia sẻ của các anh chị speaker đang là mentor của Give It Back.
1. Sự đa dạng là gì và tại sao nó đóng vai trò quan trọng trong xã hội ngày nay?
Chị Hương Ly: Mỗi một người là đều khác nhau, kể cả những đứa trẻ sinh đôi cùng sinh sống trong một gia đình cũng khác nhau. Trong buổi hôm nay, chị sẽ đề cập nhiều đến sự đa dạng trong văn hóa vì chúng ta đang hướng đến là công dân toàn cầu. Vì vậy mình sẽ có những trải nghiệm làm việc với bạn bè quốc tế, nên họ sẽ đến từ các nền văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau và cách làm việc khác nhau. Nên chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt này. Mỗi người chúng ta đều cần phải nỗ lực để hội nhập với nhau, không có nghĩa là chúng ta hòa tan và mất đi bản sắc của mình.
Chị Quyên: Sự đa dạng liên quan đến nguồn gốc dân tộc, quốc tịch, văn hóa, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, khả năng tư duy và có rất nhiều yếu tố khác. Sự đa dạng này rất quan trọng vì nó đem lại sự bình đẳng, kích thích sự sáng tạo và phát triển. Khi được trải nghiệm ở nhiều công ty đa quốc gia, chị thấy rằng nhiều công ty có chính sách về sự đa dạng trong từng team, bộ phận. Các công ty chú trọng vào sự đa dạng vì họ muốn sự đa dạng mang đến những ý tưởng khác nhau, khả năng khác nhau để đóng góp cho một cái mục tiêu chung nào đó. Sự đa dạng này giúp cho mình hòa mình vào một thế giới lớn hơn
Chị Hương Ly: Các công ty lớn quan tâm đến sự đa dạng, vì vậy chị muốn động viên các bạn trẻ Việt Nam có trình độ kỹ thuật cao hãy mạnh dạn tìm những cơ hội ở nước ngoài. Vì các công ty thích sự đa dạng thì khi nhìn thấy những hồ sơ đến từ Việt Nam thì họ rất muốn có bạn ở trong team của công ty. Vì bạn có thể là người duy nhất là người Việt trong nhóm đó, mang lại sự đa dạng sắc tộc cho nhóm đó. Đôi khi có những cơ hội đến chỉ vì bạn là người Việt Nam, dù bạn chưa đạt đến trình độ mà họ yêu cầu. Tự tin và thử sức tìm kiếm những cơ hội mới.
2. Đâu là những tư duy, kỹ năng cốt lõi để hòa nhập vào môi trường đa dạng, đa văn hóa?
Chị Hương Ly: 2 kỹ năng quan trọng nhất là khả năng quan sát và lắng nghe.
Khi vào một môi trường mới, hãy cho mình thời gian để quan sát nhiều hơn để xem cách mọi người tương tác với nhau như thế nào. Đặc biệt là cách mọi người trao đổi thư tín với nhau, trả lời câu hỏi, cách hỏi những câu hỏi. Khi bạn chú ý những điều bé như vậy thì mình sẽ dần dần hoàn thiện những kỹ năng như thế.
Ví dụ như cách làm việc qua Email tại các nước phương Tây, họ chia làm 2 loại tách biệt: cá nhân và công việc. Email cá nhân thường sẽ gắn bó với mình cả đời, mình dùng nó để đăng nhập vào các hệ thống công. Email công việc là mình chỉ dùng cho công việc và dễ dàng thay đổi khi mình chuyển công ty. Khi ở Việt Nam, chị thường viết email theo dạng mở đầu, chào hỏi, cảm ơn,…. và thể hiện cảm xúc trong đó. Nhưng khi qua châu Âu, chị nhận ra rằng mình không nên viết quá dài. Vì một người sẽ nhận rất là nhiều email, nên hãy đi thẳng vào vấn đề câu hỏi, ngắn gọn
Ví dụ về mâu thuẫn với đồng nghiệp: Chị tham gia dự án cùng với đồng nghiệp và bạn này nhận được yêu cầu từ sếp là bàn giao công việc cho chị. Tuy nhiên, không biết lý do gì khiến bạn ấy delay việc này vài tuần. Nếu như ở Việt Nam chị sẽ báo cáo với cấp trên ngay để được giải quyết, tuy nhiên đây lại là điều mà không được kỳ vọng ở đây. Mọi người ở đây kỳ vọng là bạn hãy là người giải quyết các mâu thuẫn với đồng nghiệp và chỉ khi người kia thật sự chống lại thì lúc này này cấp trên mới can thiệp. Trong quá trình tự giải quyết, bạn cần liên tục báo với sếp và tôi đang chờ người kia. Bạn cho mình 1 deadline và báo với sếp về kết quả của sự kiện này. Lúc đầu, chị cũng không biết cách giải quyết và nhờ quan sát chị tìm được cách cho vấn đề của mình
Chị Quyên chia sẻ 2 tư duy quan trọng đối với chị là tư duy linh hoạt, mở rộng và sự thấu hiểu, tôn trọng
Thứ nhất là Tư duy linh hoạt và mở rộng
Sẵn sàng tiếp cận những gì đó mới, linh hoạt với cái mới và mình biết được rằng không có cách duy nhất để giải quyết vấn đề trong một tình huống nào đó
Ví dụ về một câu hỏi mà chị nhận được khi tham gia buổi training.
Assignment: Có bao nhiêu quả táo được xếp vào container?
Không kể đến đúng sai thì mỗi team có cách giải quyết khác nhau. Vì mỗi người có một background khác nhau, cách tư duy khác nhau. Một bạn thì search Google để xem có câu trả lời sẵn nào không. Một bạn thì gọi điện thoại cho người thân hỏi chiều dài, rộng của container. Người khác thì ước lượng trái táo như thế nào. Khi bài toán này được hỏi ở nước ngoài thì cách giải quyết cũng khác nhau vì hình ảnh về trái táo khác nhau.
Mỗi người đều chung một mục đích nhưng cách tiếp cận rất khác nhau và không có đúng hoặc sai.
Thứ hai là sự thấu hiểu và tôn trọng
Bản thân mình phải thấu hiểu thì mình mới chấp nhận sự khác biệt và dễ dàng hòa nhập hơn. Giống như cách ăn uống của Người Việt và Người Ấn. Thấu hiểu giúp bạn biết được hơn về những lý do đằng sau những hành động như vậy.
3. Những khó khăn và thách thức khi sinh sống và học tập và làm việc tại nước ngoài
a. Môi trường học tập:
Chị Hương Ly: Chị nhận ra có hơi khác một chút về lời đồn “Người Việt Nam rất chăm chỉ và học rất giỏi”. Những kiến thức chị được học rất nhiều từ hồi cấp 3 tại Việt Nam được giảng dạy ở cấp Master tại châu Âu, dẫn đến chị không nhớ được hết những thứ này. Trong khi đó, các bạn phương Tây thì học rất ít nhưng các bạn nhớ rất lâu. Chị nhận ra rằng, hệ thống Toán học của VN tuy rất nặng nhưng quên cũng rất nhiều. Còn ở đây, họ học ít hơn nhưng nhớ lâu, dẫn đến vẫn có tác dụng trong quá trình học cao hơn của họ.
Điều thứ hai chị nhận ra, dù mình có điểm số ở lớp cao nhưng chưa chắc là mình sẽ giỏi. Chị nhận ra những bạn bè khác khi làm assignment luôn có những ý tưởng mới, họ không nhất thiết phải theo barem của giáo sư. Nên đôi khi project chung sẽ ra khỏi barem điểm, khiến họ không được điểm cao, nhưng điều đó không thể hiện là họ không giỏi. Khi họ đi hơi trật như thế chính là cơ hội để họ học được rất nhiều thì những người này sau khi đi làm có hiệu quả hơn. Từ đó, chị nhận ra mình cần cân bằng giữa điểm số và hiệu quả làm việc.
Chị Ngọc Quyên: Khi học tập ở bên Anh, chị phải đọc sách và viết rất là nhiều vì hệ thống chấm điểm khó và cần phải đứng ở nhiều góc độ khác nhau. Ngoài ra, chị cảm thấy mới lạ khi tham gia học bằng cách phản biện lẫn nhau. Khi đi học bên Đức thì chị nhận ra rằng bên đây họ rất chú trọng vào concept What & Why, trong khi ở Việt Nam mình tập trung nhiều vào cái How. Sự khác nhau về phương pháp học tập, khiến chị phải mất nhiều thời gian để thay đổi và thích nghi
b. Môi trường sinh sống
Chị Hương Ly: Trong sinh sống thì chị nghĩ ngôn ngữ vẫn là một rào cản dù chị đã có những chứng chỉ đủ để đi du học hay học tập. Nhưng trong các cuộc hội thoại hằng ngày, vẫn có rất nhiều từ chị không biết và chị đoán là chính. Không những vậy, ở châu Âu, người ta không chỉ nói tiếng Anh, họ nói được nhiều thứ tiếng và đây là chuyện rất là bình thường ở đây. Họ không ngại học khi lớn tuổi và họ sẵn sàng học khi cần thiết. Tóm lại, chị nghĩ trong học tập mình cần đánh giá đúng về bản thân, ưu điểm và nhược điểm; không ngại học khi tuổi càng ngày càng lên và đề cao việc học ngôn ngữ không chỉ là tiếng Anh.
Chị Ngọc Quyên: Khi sinh sống chị cũng gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ khi mọi người dùng tiếng lóng và mỗi vùng cách sử dụng ngôn ngữ cũng khác nhau, dù là trong một đất nước. Ở bên Anh và Đức, họ có một văn hóa là đặt lịch hẹn. Dù bạn có bệnh muốn đến bệnh viện bạn cũng phải đặt lịch hẹn trước với Bác sĩ. Ở châu Âu, họ rất quan tâm đến môi trường, vì vậy họ chú trọng rất nhiều trong việc phân loại rác
c. Môi trường làm việc
Chị Hương Ly: Chị nghĩ khó khăn lớn nhất mình gặp phải ở thế hệ 8x là nhút nhát và luôn sợ nói ra những điều khác với số đông. Sợ sai, sợ nói ra những cái dốt của mình, sự kỳ quặc hay một nỗi sợ gì đấy. Vì vậy mà mình thấy mình không hiểu được mình dẫn đến phải làm những công việc mình không thích nhưng lại không dám từ chối. Và dưới đây là vài cách để chị vượt qua
- Bù đắp bằng những nỗ lực của chính mình
- Cần nhiều thời gian để mọi người từ từ hiểu mình hơn
- Thể hiện quan điểm của mình sau cuộc họp nếu như sợ phát biểu ở cuộc họp lớn
- Trở thành tâm điểm của nhóm nhỏ, phù hợp với khả năng của mình
Ở chỗ chị thì họ phân biệt rất rõ ràng giữa hai thế giới: một là bạn bè, hai là đồng nghiệp. Vậy nên họ rất ít khi kết bạn ở chỗ làm, họ chỉ trao đổi đến vấn đề công việc ở chỗ làm và họ rất khó để thân từ đồng nghiệp thành bạn. Thời tiết cũng ảnh hưởng đến khả năng kết nối mọi người với nhau. Ở những khu vực thời tiết lạnh thì họ cũng lạnh lùng và khó kết bạn hơn với khu vực có thời tiết mát mẻ, ấm áp. Họ chỉ mời những người rất thân đến nhà nên khi bạn nhận được lời mời này thì nghĩa là họ rất quý bạn. Ngược lại, khi không được mời đến nhà thì bạn cũng đừng cố gắng hay buồn phiền vì đây chính là văn hóa của họ.
Chị thấy những người ở chỗ chị họ rất là thẳng thắn và rõ ràng. Khi mình nhờ họ một việc gì đó, nếu họ giúp được hay không họ sẽ phản hồi và note lại thời gian cố định để giúp mình. Chị cảm thấy thoải mái về sự thẳng thắn và rõ ràng của vấn đề này. Như ở Việt Nam, mình thường cả nể, khi trong lòng mình khó chịu lắm nhưng mình vẫn giúp. Khi mình nhận được những câu hỏi khó và muốn hỏi những người cao hơn mình, thì mình không nên nhắn hỏi để nhận câu trả lời trực tiếp. Thay vào đó, hãy suy nghĩ về giải pháp và cách giải quyết và nhờ họ xem cách này của mình là đúng hay chưa. Nếu đúng thì họ sẽ đồng tình với cách của bạn, nếu sai họ sẽ gợi ý cách khác cho bạn. Vậy nên đừng hỏi câu hỏi chung chung, họ sẽ xem như bạn đang không cố gắng tìm giải pháp.
Chị Ngọc Quyên: Ở Đức, họ rất chú trọng về văn hóa gia đình, cho nên khi làm việc hay sinh hoạt họ luôn tách biệt rất rõ ràng: tập trung xử lý công việc ở chỗ làm và khi về nhà thì dành toàn bộ thời gian cho gia đình. Khi làm việc, họ thường đưa những Open Feedback hay Direct Feedback dù họ đang ở cấp bậc nào. Lúc này là họ đang thảo luận với nhau để đưa ra những hướng đi cho toàn bộ team, dự án. Open feedback là mình nhận những feedback đó như những món quà, sau đó mình có thể improve. Ngược lại, khi mình vẫn giữ tâm lý cũ khi nhận những lời góp ý mình giữ trong lòng hay take responsibly thì mình rất khó để phát triển.
Ở châu Âu họ rất chú trọng đến work-life balance vì họ quan niệm phát triển theo hướng bền vững, ngay cả đến máy móc cũng chỉ hoạt động đến 90% hay 95% công suất.
Có một tips khi các bạn apply xin việc cho những công ty ở phương Tây. Nếu như ở Việt Nam bạn ghi ưu điểm là làm việc dưới áp lực và thoải mái làm thêm giờ thì ở đây không được xem là như vậy. Thay vào đó, bạn hay thêm vào CV mục sở thích, nếu nó liên quan đến thể thao thì lại càng hay. Vì ở đây họ rất chú trọng đến thể thao, không chỉ giúp mình khỏe mạnh mà còn giúp mình cân bằng công việc. Vậy nên việc một người sếp rất giỏi về một môn thể thao là rất phổ biến.
4. Những cách để vượt qua những khó khăn
Chị Hương Ly: Chăm chỉ và chấp nhận những thử thách của mình
Chấp nhận là mình có lỗi và sẽ sửa thì cơ hội sẽ luôn luôn đến với mình. Với những sự việc gì quá sức với mình, thì mình sẽ nghỉ và không cố gắng giải quyết nó ngay. Chị sẽ chờ đến vài ngày, hoặc đến khi có cái nhìn toàn cảnh thì tự dưng mình nhìn ra được hướng giải quyết.
Chị Ngọc Quyên: Well-preparation
Mình chuẩn bị thực sự kỹ cho vấn đề nào đó. Ví dụ khi ra nước ngoài, chị thường sẽ đọc thêm sách báo để biết về văn hóa, tham gia các cộng đồng trên Facebook hay của trường để kết nối thêm với những người bên đó. Từ đó, mình hiểu những nơi mình chuẩn bị tới, hiểu người mình chuẩn bị nói chuyện và mình hiểu cái công việc mình chuẩn bị làm. Khi hiểu rồi, mình sẽ có được sự chuẩn bị kỹ. Dù có những điều bất ngờ xảy đến, nhưng chí ít mình đã có sự lường trước để mình có những cách để xử lý nó
5. Một vài câu chuyện đáng nhớ khi ở nước ngoài
Chị Hương Ly: Câu chuyện sa thải trước thời điểm lockdown tại châu Âu
Vào thời điểm dịch Covid thì chị có xin phép làm ở nhà để có thời gian đi mua khẩu trang. Lúc đó chị chỉ nghĩ là mình đã gửi đơn cho Line Manager và sẽ hoàn thành công việc nộp vào thứ hai khi làm việc trở lại. Nên chị đã không đăng nhập vào hệ thống. Thời điểm này chị nghĩ không có vấn đề gì miễn mình hoàn thành xong công việc là được. Thế nhưng, hôm đó Line Manager không nhận được đơn và hệ thống công ty đã ghi nhận việc không đăng nhập của chị. Như vậy, chị đã vi phạm SOP của công ty và chị bị sa thải ngay lập tức. Sau chuyện này, chị nhận ra mình mắc phải 2 lỗi: một là mình không thông báo lên cấp trên để có một người biết chuyện mình xin WFH, hai là chị nghĩ mình có thể chuyển công việc ngày thứ sáu sang thứ hai mà không cần phải thông báo. Trước khi sa thải, công ty có hỏi chị có hài lòng gì với công ty không, với manager không mà mình hành xử như thế. Lúc đó trước mặt manager, chị cũng có một vài điều không hài lòng và cảm thấy việc sa thải này hơi bất công, thay vì mình phản đối hay tìm cách bảo vệ mình thì chị nhận lỗi về mình và đồng ý hôm nay mình kết thúc công việc.
Sau khi nghỉ việc, chị cũng lo lắng vì visa của mình liên quan đến công việc, giờ nghỉ thì không có lý do gì để chị ở lại đây. Lúc này, chị quay lại kim chỉ nam của mình là chậm lại một nhịp, chị hít thở sâu và đi ra khỏi công ty. Ngay ngày hôm sau, chị Manager – người mà chị có thể complain rất nhiều khi bị sa thải, hẹn gặp chị và hỗ trợ giúp chị kiếm việc trong lúc dịch bệnh khó khăn. Và chị Manager đưa cho chị 3 options, 2 công ty đầu không liên quan đến công ty cũ nên khi nộp đơn chỉ cần thể hiện cho tốt là được. Còn công ty còn lại có mối liên hệ mật thiết với công ty cũ nên khi apply mình thực sự kể lý do đó ra, dù lý do đó đáng xấu hổ, vì nó liên quan đến vấn đề trung thực trong việc khai báo. Và công ty nhận chị chính là công ty cuối cùng. Qua câu chuyện này, chị rút ra được là mình sai và mình chấp nhận mình sai nhưng nó sẽ là bài học và chị sẽ trưởng thành hơn khi trải qua bài học này. Chỉ cần mình chân thành, mình muốn làm công việc đó thực sự tốt, trưởng thành hơn không chỉ cho bản thân mà cho đội nhóm mình thì cơ hội sẽ luôn xuất hiện. Khi cánh cửa này đóng lại sẽ có những cánh cửa khác mở ra.
Chị Ngọc Quyên: Chỉ cần đó là đam mê thực sự của mình thì mình sẽ đạt được điều đó.
Khi mới qua Đức, chị gặp khó khăn khi nhập học và xin làm việc vì không có background chuyên môn. Thế nhưng, chị biến nó thành động lực và thể hiện những quyết tâm của mình khi nhập học là gì hay khi xin việc. Chị gửi đơn xin nhập học thể hiện mình có đủ yếu tố và sự quyết tâm để theo đuổi con đường này, thông qua những sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ mình. Chị không chấp nhận việc mình bị từ chối nên chị đã đề xuất có một buổi phỏng vấn hoặc một bài test để có thể show năng lực. Tương tự như khi xin việc, chị cũng chuẩn bị một bản trình bày để thể hiện những quyết tâm, sự nghiêm túc của mình ra sao. Kết thúc là chị được trường nhận vào học và công ty chấp nhận hồ sơ của mình. Nên chị rất tin vào việc khi mình thực sự muốn làm sẽ có những người, cơ hội mở ra cho mình. Chỉ cần đó là đam mê thực sự của mình thì mình sẽ đạt được điều đó.
6. Việc giao lưu, kết nối với những bạn bè quốc tế mang đến những lợi ích gì?
Chị Ngọc Quyên: mở rộng tầm nhìn/kiến thức, cải thiện ngôn ngữ, làm việc trong môi trường đa văn hóa
Khi mình giao lưu với các bạn bè quốc tế thì mình sẽ có cái nhìn tốt hơn về thế giới.
3 điều chị học được khi sống và làm việc tại Đức:
- “Không có thời tiết xấu chỉ có quần áo xấu”. Thời tiết là cái mình không thể kiểm soát được nhưng quần áo, chất lượng của nó mình kiểm soát được.
- Văn hóa đúng giờ. Dù là bạn đi làm hay là hội họp bạn bè
- Văn hóa đọc sách trên tàu điện ngầm
1 điều chị học được khi ở bên Anh:
- Văn hóa xin lỗi – cảm ơn: Xin lỗi không có nghĩa là mình có lỗi mà đó có thể là một sự lịch sự để bắt đầu một câu chuyện nào đó.
Những lợi ích này bạn có thể tìm kiếm trong các chương trình Exchange Student trong các trường đại học, chương trình du học ngắn hạn Lead The Change Exchange Trip hay những chương trình bên đại sứ quán, tham gia dự án quốc tế để tăng cơ hội cho chính mình. Những chương trình này sẽ giúp mình học được những kiến thức thực tế và làm quen với những bạn đến từ các nền văn hóa khác nhau.
Chị Hương Ly: tư duy nhảy vọt và cách nhìn nhận vấn đề.
Bây giờ chị đã có thể nhìn nhận những vấn đề ở rất xa, có thể sự việc diễn ra không như ý, nhưng mình cứ nỗ lực từng giây phút ở hiện tại để mình, kết quả sẽ hình thành. Những thay đổi về tư duy là nhờ vào cách làm việc và sinh sống tại nước ngoài.
Ví dụ khi giải quyết một bài toán, mình có thể dùng tay để tính và chỉ mất khoảng 30 phút. Nhưng bạn của chị sẽ lập nên một phương trình và tốn rất nhiều thời gian để có thể áp dụng cho được nhiều trường hợp hơn.
Khi làm việc với những người có tư duy như thế thì mình sẽ học được tinh thần vì một lợi ích rất xa chứ không phải lợi ích trước mắt.
Khi tiếp xúc với nhiều người khác nhau là cơ hội để mình hiểu hơn về chính mình, mình biết ưu điểm, nhược điểm gì, mình biết được giá trị của mình ra sao để có thể bồi đắp tiếp tục cho nó. Dần dần mình sẽ có sự tự tin từ những giá trị cốt lõi của mình. Mình sẽ dần dần phân biệt được đâu là phương tiện, đâu là đích đến của mình. Ví dụ như đích đến nhiều người là hạnh phúc nhưng phương tiện để đến đó khác nhau: như tiền bạc, sự thăng tiến hay các mối quan hệ tốt đẹp, tình yêu. Khi mình xác định được mục tiêu thì mình sẽ bớt chệch hướng và cuối cùng đạt đến là sự bình an.
Để không bỏ lỡ những tập tiếp theo của chuỗi webinar Vươn ra thế giới, bạn có thể đăng ký tham dự 2 tập đặc biệt còn lại của chương trình tại đây: https://bit.ly/vuonrathegioi
Tập 4: Hòa nhập không hòa tan
Tập 5: Cơ hội hội nhập