Mình học được gì qua buổi talkshow online về Marketing của GIVE IT BACK
Marketing một trong những ngành nghề được xướng danh là “hot”, “thịnh hành” cho đến thời điểm hiện tại. Trong những năm tháng định hướng lối đi, định hình bản thân, thông qua buổi talkshow về Marketing – mình học được gì?
1. Cho dù bản thân có bận, có đang cố gắng bươn chải như thế nào đi chăng nữa, nếu như không đến trường được thường xuyên thì phải ôn những kiến thức ở trường. Kiến thức trong trường rất hữu ích, dù nó lạc hậu, dù cho việc chúng ta đi học những kiến thức đó rất nhàm chán, nhưng nó sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều sau này khi chúng ta tốt nghiệp và đi làm.
2. Luôn luôn đặt câu hỏi nhắc nhở cho bản thân: “Ở công việc hiện tại, mình đang học được gì, những công việc trước kia mình học được gì? Tất cả những điều đó sẽ là một bước đệm cho bản thân trong những việc tiếp theo”
3. Marketing là ngành khá đặc thù, nó đòi hỏi sự sáng tạo, và đối với chúng ta, những người đã và đang theo đuổi ngành Marketing, chúng ta phải học hỏi, tìm hiểu hàng ngày để theo kịp được với nhịp thay đổi, xu hướng của Marketing.
4. Kỹ năng ôm sát với ngành hàng, ngành hàng mình đang làm có cấu trúc gì, đòi hỏi yêu cầu đặc thù gì. Bất kì mỗi 1 người làm Marketing nào phải yêu sản phẩm.
5. Đổi mới sáng tạo – Ngành Marketing là một ngành cạnh tranh khốc liệt. Ngày hôm có thể chúng ta làm được một điều gì đó mới, một điều gì đó hay, nhưng có thể sang ngày hôm sau chúng ta đã có được những đối thủ cạnh tranh. Với những vấn đề trên Marketing đòi hỏi chúng ta – những người làm Marketing phải đổi mới liên tục, tư duy trên nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau.
Marketing không dành cho người hời hợt, người qua loa, Markting cần người tư duy sắc sảo, hiểu được thị trường, hiểu được khách hàng, hiểu được sản phẩm…
6. Tính linh hoạt trong Marketing – Những người làm nghiên cứu có phương pháp nghiên cứu, người đi dạy là có giáo trình để dạy…. Khác với những ngành nghề khác, làm Marketing không có những phương pháp nào cụ thể được áp dụng cho toàn bộ. Có những mô hình Marketing, nhưng mô hình Marketing của công ty này sẽ khác với mô hình Marketing của công ty khác, mô hình Marketing của ngành hàng này sẽ khác với ngành hàng kia và tương tự của công ty dẫn đầu thị trường sẽ khác với công ty mới nổi.
7. Người làm Marketing là người luôn giữ trong một cái đầu mở, để mình lắng nghe mọi thứ, học hỏi mọi góc nhìn (lắng nghe đối thủ, lắng nghe thị trường, lắng nghe khách hàng….)
8. Marketing là một quá trình nghệ thuật phát hiện nhu cầu khách hàng, mình đáp ứng nhu cầu đó hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh.
9. Nhầm lẫn trong Marketing – đôi khi chúng ta chỉ làm 1 mảng ở Marketing nhưng cứ ngỡ mình đã hiểu hết về Marketing. Ta nhầm lẫn giữa 2 khái niệm Marketing với Marketing Communication.
10. Marketing gốc là Market mục tiêu tối hậu là chiếm được Market. Bán hàng nhiều hơn đối thủ là mục đích của Marketing.
11. Nhiệm vụ cơ bản của Marketing là chiếm lĩnh thị trường, tăng sức cạnh tranh của thương hiệu. Nhưng điều đó không có nghĩa là tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường bằng mọi giá, nhiệm vụ đi đôi với đạo đức. Cái đẹp của nghề Marketing là thấy được sự phát triển của doanh nghiệp hài hòa với sự phát triển của xã hội. Vận dụng tiền của doanh nghiệp để tạo ra điều tốt đẹp cho xã hội ở đó doanh nghiệp sẽ thừa hưởng những sự tốt đẹp do mình tạo ra.
12. Những bước để xác định mình có hợp với Marketing nói chung và các ngành nghề khác nói riêng.
- Đầu tiên chúng ta phải hiểu mình. Tự hỏi bản thân mình có thích ngành Marketing không, việc thích và đam mê là hoàn toàn khác nhau. Thích đơn giản là chúng ta có hứng thú, còn đam mê bao gồm vừa giỏi vừa thích.
Để hiểu mình hơn có thể làm trắc nghiệm nghề nghiệp. Tiếp đến, bản thân đang hiểu về Marketing như thế nào? Tự đặt câu hỏi : “Mình có hiểu nghề không?”
- Biết được những ưu nhược điểm của Marketing, những góc khuất trong ngành, những điều kiện tiên quyết Marketing cần phải có. Để có thể biết được những điều này, chúng ta có thể hỏi người đi trước, những anh chị làm trong nghề, đọc sách về marketing, tìm kiếm những thông tin thông quan các diễn đàn, mạng xã hội, tham dự những buổi talkshow chia sẻ định hướng…. Và đặc biệt khi biết đến những cái dở trong ngành nhưng vẫn có sự hứng thú, vẫn muốn theo đuổi ngành thì bingo bạn hiểu nghề và phù hợp với nghề rồi đó, chiến thôi!!!!
Hiểu nghề – Theo đuổi với nghề – Đam mê với nghề, theo mình đó là một hành trình dài. Và trên cuộc hành trình đó chúng ta không hề cô độc.
Chia sẻ của bạn Lý Ánh Vân – Alumni Lead The Change – Ready To Change
.