Tài năng (Talent) đến từ bên trong, kỹ năng (Skill) đến từ những gì mình học được bên ngoài. Vậy thì tài năng thiên bẩm với kỹ năng được trau dồi, điều gì quan trọng đối với nhà tuyển dụng hơn?
Trong phần thuyết trình của mình tại Ted Talk, Suzanne Lucas – HR Consultant và tác giả của blog Evil HR Lady. Lucas đã kể cho khán giả nghe một câu chuyện có thật, đến từ chính trải nghiệm của cô với người bạn thân của mình Liz – một nghệ sĩ đàn organ. Một ngày nọ, Lucas đến xem Liz trình diễn, cô đã tán thưởng bạn của mình: “Đó là một màn trình diễn trên cả tuyệt vời.” Lucas còn không tiếc lời khen ngợi bạn mình: “Liz giỏi quá.”
Liz trả lời: “Cám ơn Lucas nha. Nhưng không phải do mình giỏi hơn người khác đâu. Để có được ngày hôm nay, mình thực sự đã phải nỗ lực rất rất nhiều.”
Bạn có suy nghĩ gì về câu nói trên? Hãy dừng lại một chút để suy nghĩ rồi đọc tiếp nhé!
Mỗi người trong chúng ta sẽ đều có một góc nhìn riêng về câu chuyện này, thế nhưng với Lucas – câu trả lời của Liz đem đến cho cô – một Nhà tư vấn về Nhân sự thay đổi góc nhìn và suy nghĩ của mình về những con người “tài năng” mà các công ty đang điên cuồng dùng ngân sách khủng để tìm kiếm. Tài năng – thực sự có quan trọng đến thế?
Đó cũng chính là kết luận Lucas muốn truyền tải thông qua bài thuyết trình của mình tại Ted Talks: Why you should hire for skills, not talent.
CÁC NHÀ TUYỂN DỤNG – TUYỂN BẠN VÌ TÀI NĂNG HAY KỸ NĂNG?
Ngày nay các công ty thường có bộ phận Talent Acquisition. Nhưng liệu việc “săn” các tài năng thôi, liệu có đủ giúp công ty giải quyết các vấn đề?
Lucas cho rằng: “Khi các doanh nghiệp dùng từ “Talent” để nói về các nhân viên của mình, ngụ ý của chúng tôi là các bạn cần dày dặn kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để có thể hoàn thành công việc hoàn hảo nhất ngay từ ngày đầu.”
Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta có thể hoàn thành công việc một cách xuất sắc nhất ngay từ lần đầu tiên?
Mozart – nhà soạn nhạc thiên tài đã viết một bài độc tấu piano đầu tiên vào lúc 5 tuổi. Nhưng bạn có biết, trước đó vào năm 3 tuổi: ông đã bắt đầu học dương cầm, vĩ cầm để làm quen với các nốt nhạc. Ngay cả thiên tài cũng có những bài học đầu tiên trong đời như thế.
Hay Lin-Manuel Miranda – người đưa vở nhạc kịch đình đám Hamilton vượt doanh thu 1 tỷ USD và trở thành top 100 người nổi tiếng kiếm được nhiều tiền nhất vào năm 2020 do tạp chí Forbes bình chọn. Hồ sơ thành tích của Hamilton phải kể đến: giải thưởng Grammy năm 2016 cho Album nhạc kịch hay nhất, giải thưởng Pulitzer cho Tác phẩm chính kịch cùng với 11 giải thưởng Tony. Đây cũng chính là vở nhạc kịch đạt được doanh thu cao nhất trong lịch sử của sân khấu Broadway.
Lucas chia sẻ rằng: “Lin-Manuel Miranda đã mất cả năm để viết một bài hát duy nhất cho Hamilton của anh ấy.”
Thành tựu không tự nhiên tìm đến gõ cửa nhà Lin-Manuel Miranda, nó đến nhờ sự nỗ lực và chăm chỉ hằng ngày của anh ấy.
Cho nên, Lucas gợi ý các nhà tuyển dụng đừng chỉ đánh giá ứng viên dựa trên câu hỏi: “Người này có biết cách làm XYZ hay không?”, hãy thêm vào đó một câu hỏi sâu hơn: “Liệu người này có khả năng HỌC cách làm XYZ hay không?”. Các nhà tuyển dụng có thể hỏi ứng viên các câu sau:
– Trong quá khứ, bạn có học điều gì khó khăn hay chưa?
– Bạn có biết điều gì tương tự?
– Bạn đã từng đứng dậy sau thất bại như thế nào?
Một người đã từng trải qua thất bại để đi đến thành công chính là những người có đủ khả năng để đương đầu và vượt qua các thách thức. Đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 đang biến thế giới trở nên hỗn độn hơn, thiếu đi sự an toàn và chắc chắn. Để sinh tồn, vaccin Covid-19 thôi là chưa đủ, mỗi người cũng cần chuẩn bị cho mình: Sức bật và Tư duy cầu tiến.
Việc loại bỏ “tài năng” khỏi công thức, sẽ giúp các nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy liệu người đó có thể học được gì và mức độ cống hiến cho công việc như thế nào.
Người tài, họ có thể đi nhanh hơn vào lúc bắt đầu, nhưng chưa chắc họ có thể đi xa hơn. Vì sẵn máu “giỏi” trong người, các bạn cũng khó để hạ cái “tôi” của mình xuống để nghe feedback, khó để chấp nhận thất bại, khó để làm chủ những cảm xúc của mình.
NẾU CÓ KỸ NĂNG THÔI, LIỆU CÓ ĐỦ?
Chắc ai cũng biết câu chuyện rùa và thỏ. Chú thỏ với tài năng nhanh nhẹn bẩm sinh, nhưng lại chẳng có sự nỗ lực hay cố gắng để đi về đích, ngược lại còn ỷ y vào khả năng của mình. Chú rùa, có vẻ chậm chạp hơn, nhưng chính sự nỗ lực, cần cù của mình mới chính là đòn bẩy đưa rùa đến chiến thắng vẻ vang trước thỏ.
Sẽ ra sao nếu chú thỏ luyện tập và ngày ngày cải thiện sự nhanh nhẹn của mình?
Có ai đó từng nói:
Đam mê mà không có tài năng – thì đó chỉ là sở thích.
Tài năng mà không có đam mê – đó chỉ là công việc.
Vừa có đam mê, vừa có tài năng – đó chính là sứ mệnh.
Khi ta tìm thấy tài năng của mình, đặt nó vào đúng chỗ và cố gắng học hỏi các kỹ năng mới để hoàn thành được công việc mình mong muốn. Có lẽ khi đó, ta sẽ thôi tự hỏi: Mục đích mình đến Trái Đất này là gì?