Transferable Skills (Kỹ năng có thể chuyển đổi được) là gì?
Transferable Skills hay còn được gọi là “Portable Skills”. Đây là các kỹ năng mà bạn học được từ một việc này mà vẫn có thể sử dụng trong việc khác.
Mỗi lần đọc JD (Job Description – Mô tả công việc) chắc hẳn bạn sẽ nhìn thấy những kỹ năng quen thuộc như: giao tiếp, đa nhiệm, làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng lãnh đạo. Khác với các kỹ năng chuyên môn đặc thù của từng ngành, kỹ năng chuyển đổi có thể áp dụng được nhiều ngành nghề khác nhau, ai cũng cần có chúng để cải thiện chất lượng công việc.
Nó tạo nên ranh giới giữa thành công hay thất bại. Ví dụ một bạn trẻ học rất giỏi các môn chuyên ngành, tốt nghiệp loại giỏi nhưng lại gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc không biết cách làm việc nhóm cũng sẽ là một cản trở khiến bạn khó thăng tiến về lâu về dài.
Cho nên bên cạnh việc cải thiện các kiến thức chuyên môn, mỗi bạn trẻ cần phải rèn giũa và phát triển các kỹ năng chuyển đổi của bản thân.
Các kỹ năng chuyển đổi này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ như khả năng diễn đạt ngôn ngữ tốt cần có khả năng lắng nghe và tư duy phản biện trong quá trình xử lý các thông tin nhận được. Từ đó có thể giúp bạn thuyết trình trôi chảy, thông điệp ngắn gọn, rõ ràng và mang tính thuyết phục cao hơn.
LÀM SAO ĐỂ LÀM GIÀU BỘ KỸ NĂNG CHUYỂN ĐỔI CỦA MÌNH?
1. Kỹ năng kỹ thuật (Technical Skill)
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tiện lợi hơn. Các công ty bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa – bắt đầu áp dụng công nghệ trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Chính vì thế mỗi người trẻ cần tự trang bị khả năng sử dụng các công nghệ mới, thậm chí ngay cả khi bạn không có làm trong lĩnh vực công nghệ. Việc cập nhật các xu hướng công nghệ mới, tận dụng các tiện ích của các nền tảng sẽ tạo đòn bẩy sự nghiệp cho các bạn trẻ.
2. Kỹ năng giao tiếp (Communication Skills)
Các công việc hiện nay đòi hỏi chúng ta có khả năng nói và nghe, tức là: nói được rõ ràng những gì mình nghĩ và Nghe được những gì người khác nghĩ.
Kinixti – Học giả nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Sự thành công của một người chỉ khoảng 15% dựa vào chuyên ngành, còn 85% còn lại chính là mối quan hệ giao tiếp và kỹ năng ứng xử của người đó như thế nào.”
Bốn kỹ năng giao tiếp mà chúng ta cần chú ý đó là:
1. Cách sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể – Bạn muốn nói điều gì và bạn sẽ nói về nó như thế nào?
2. Kỹ năng nghe – chỉ học cách nói thôi chưa đủ, bạn cần biết cách nghe đúng, nghe để hiểu góc nhìn của người khác thay vì nghe để trả lời.
3. Kỹ năng viết – biết rằng văn nói và văn viết khác nhau. Nên cần có sự điều chỉnh khi giao tiếp qua những con chữ được viết ra.
4. Kỹ năng giao tiếp qua các phương tiện giao tiếp – hiểu để sử dụng hiệu quả các kênh giao tiếp cho phù hợp với đối tượng và thông điệp bạn muốn truyền tải.
3. Tư duy phản biện (Critical Thinking Skills)
Đây là cách các bạn áp dụng những gì mình được học vào thực tế để giải quyết vấn đề một cách có hệ thống.
Kỹ năng tư duy phản biện hay còn gọi là kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề cần có sự suy nghĩ kỹ lưỡng, đánh giá các lựa chọn khả thi và tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề.
Một người có khả năng tư duy phản biện tốt sẽ nhìn nhận vấn đề, đặt những câu hỏi quan trọng, xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến từng giải pháp khả thi và đưa ra quyết định hành động tối ưu nhất.
4. Khả năng đa nhiệm (có thể tự quản lý và sắp xếp thời gian/ công việc)
Đây là một trong những kỹ năng được các nhà tuyển dụng săn đón nhiều nhất. Dựa theo các nghiên cứu gần đây, việc đa nhiệm quá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, khiến chúng ta dễ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi nếu không biết cách tập trung vào các công việc thực sự quan trọng.
Làm sao để đa nhiệm tốt?
Đó là làm “đơn nhiệm” tốt, tức là tập trung hoàn thành các công việc trong danh sách ưu tiên đúng thời gian được đề ra.
Khả năng đa nhiệm được xây dựng dựa trên: khả năng sắp xếp công việc, biết mình nên ưu tiên việc gì và quản lý thời gian của bản thân. Để đa nhiệm một cách hiệu quả, bạn có thể tham khảo mô hình: Plan, do, review cycle để theo dõi và biết được mình đã hoàn thành những gì và cho bạn biết bạn đã dành thời gian của mình cho những việc gì, mức độ hiệu quả như thế nào, từ đó bạn sẽ biết cách dành thời gian cho những việc quan trọng.
5. Khả năng làm việc nhóm (Teamwork)
Bạn có khả năng phối hợp làm việc với nhiều người, có nhiều tính cách khác nhau một cách hiệu quả hay không?
Teamwork đóng một vai trò quan trọng nếu bạn thực sự mong muốn trở thành một lãnh đạo (leader) thực sự. Không chỉ vậy, teamwork muốn hiệu quả cần có sự cam kết của mỗi thành viên để đặt sự thành công của đội nhóm lên trước. Có như vậy, các bạn mới có thể phối hợp làm việc, đó là khi mọi người có thể để cái tôi của mình sang một bên.
6. Khả năng sáng tạo (Creativity Skill)
Đây là một trong những kỹ năng khó chuyển đổi nhất. Đó là bởi vì sự sáng tạo đến từ những trải nghiệm bạn có với công việc của mình. Nó cho phép bạn nhìn thấy những điểm chung của các thách thức, từ đó tổng hợp và đưa ra các giải pháp phù hợp.
Không phải bất cứ ai có nhiều ý tưởng cũng là một người sáng tạo. Bởi vì ý tưởng giống như một cơn đau đầu – ai trong chúng ta cũng có những lúc đau đầu, nó chợt đến rồi cũng chợt đi. Sáng tạo thì khác, nó đòi hỏi bạn phải có khả năng phát triển những ý tưởng trong đầu thành hiện thực.
Sức sáng tạo của mỗi người sẽ “thăng hoa” nhất nếu có sự kết hợp của tư duy phản biện, khả năng đa nhiệm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và cả khả năng lãnh đạo.
7. Khả năng lãnh đạo (Leadership Skills)
Khi bạn tạo dựng được sự tin tưởng của người khác, khi đó bạn sẽ có thể truyền động lực hành động cho những người xung quanh.
Mỗi hành động của bạn tác động đến cách suy nghĩ, cách học và cách làm việc của người khác, để họ có những sự thay đổi tích cực hơn.
Đây là kỹ năng khó chuyển đổi nhất trong bộ 7 kỹ năng. Một khi bạn thành thạo kỹ năng “dẫn dắt” và truyền cảm hứng hành động, đó là khi bạn đã sẵn sàng để trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ và biết cách kết hợp nhuần nhuyễn cả 6 kỹ năng trên.
Kỹ năng kỹ thuật, tư duy phản biện và sáng tạo giúp bạn xác định chính xác những thách thức mà nhóm của bạn phải đối mặt. Qua đó bạn có thể hướng dẫn cộng sự của mình cách giải quyết vấn đề. Kỹ năng giao tiếp thành thạo sẽ giúp bạn đưa ra những thông điệp ngắn, gọn, dễ hiểu hơn. Sự sáng tạo của bạn đến từ hệ quy chiếu rộng lớn mà bạn có cho công việc của mình và nghề nghiệp và ngành mà bạn đã từng làm việc, cho phép bạn đưa ra các giải pháp mà người khác có thể chưa thấy. Kỹ năng đa nhiệm của bạn cho phép bạn tạo ra một kế hoạch chi tiết thực tế để thành công, đồng thời giúp nhóm của bạn làm chủ nhiệm vụ và mang lại kết quả mong đợi đúng thời hạn.