Greta Thunberg là cái tên đầu tiên được nhắc đến trong các cuộc đối thoại nói về phong trào của giới trẻ đối với môi trường. Tuy nhiên, Greta Thunberg không phải là người trẻ duy nhất mà còn có nhiều nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi trên khắp thế giới. Từ Ấn Độ đến Kenya và đến Hoa Kỳ, giới trẻ đang yêu cầu có những hành động thiết thực về biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa và phá rừng.
Dưới đây là những người trẻ tham gia vào hoạt động truyền cảm hứng về sự thay đổi trên thế giới.
1. LESEIN MUTUNKEI (Kenya)
Sau khi nghe về nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa, Lesein đã kết hợp giữa hoạt động ngoài trời và bóng đá thành tình yêu của mình. 15 tuổi, Lesein đã trồng số cây ứng với số lần ghi bàn. Bên cạnh đó, Lesein khuyến khích nhà trường và câu lạc bộ bóng đá của mình thể hiện thái độ có ý thức về môi trường. Điều này không chỉ giúp họ rèn luyện bóng đá mà còn cải thiện môi trường.
2. ALEXANDRIA VILLASENOR (Hoa Kỳ)
Alexandria Villaseñor, 14 tuổi, biểu tình bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York vào mỗi thứ Sáu. Là tiếng nói đại diện của Fridays For Future (tạm dịch: ngày thứ Sáu vì tương lai), Alexandria chia sẻ: “Tôi còn quá nhỏ để được bầu cử. Vì vậy, khi thực hiện cuộc biểu tình, tôi có cảm giác như đang lấy lại một vài tổ chức trong tương lai”.
3. ADITYA MUKARJI (Ấn Độ)
Aditya, 15 tuổi, bắt đầu chiến dịch vận động mọi người ngưng sử dụng ống hút nhựa từ đầu năm 2018. Từ năm 13 tuổi, Aditya đã đi khắp quán cà phê, nhà hàng để thuyết phục họ thay đổi thói quen sử dụng ống hút nhựa bằng những giải pháp khác thân thiện với môi trường. Hiện tại, Aditya đang đẩy mạnh các giải pháp thay thế nhựa sử dụng một lần, những chiến dịch ngăn chặn chặt phá cây và ủng hộ biểu tình vì môi trường.
4. ELLA VÀ CAITLIN MCEWAN (Vương quốc Anh)
Ella và Caitlin McEwan là hai chị em đến từ Southampton. Cả hai từng đưa kiến nghị yêu cầu các cửa hàng thức ăn nhanh ngưng đính kèm đồ chơi bằng nhựa trong suất ăn của trẻ em. Ella và Caitlin McEwan đã thu thập được hơn 400.000 chữ ký. Sau đó, McDonalds đã đưa ra thông báo đến khách hàng có thể tùy ý lựa chọn giữa đồ chơi hay trái cây. Còn Burger King quyết định loại bỏ hoàn toàn đồ chơi bằng nhựa.
5. LEAH NAMUGERWA (Uganda)
Leah Namugerwa là một nhà hoạt động môi trường trẻ khi mới 14 tuổi; đồng thời, còn là student striker cùng Fridays For Future tại Uganda. Leah Namugerwa bắt đầu thực hiện các cuộc biểu tình mỗi thứ Sáu từ tháng Hai, 2019 nhằm kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn đối với những vấn đề liên quan biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa.
Ở Uganda, cũng như các nước khác thuộc châu Phi, có nguy cơ sa mạc hóa. Điều đó có nghĩa là đất nông nghiệp màu mỡ sẽ trở nên khô khan và cằn cỗi. Các chuyên gia cho rằng yếu tố hạn hán, gia tăng nhiệt đã gây nên tình trạng trên và cũng liên quan đến biến đối khí hậu.
Trích lời Leah chia sẻ với BBC: “Tôi mong muốn tạo nên sự thay đổi tích cực cho đất nước và gây áp lực đến chính quyền phải có hành động”.
6. LILLY PLATT (Hà Lan)
Lilly Platt sinh ra ở Anh nhưng sống ở Hà Lan, nơi mà Lilly đã có những cuộc biểu tình vào mỗi thứ Sáu về biến đổi khí hậu khi chỉ mới 11 tuổi. Đồng hành với Lilly là mẹ, Lilly đã tham gia biểu tình ngày thứ Sáu trong 1 giờ đồng hồ dưới sự cho phép của nhà trường. Lilly còn là đại sứ trẻ em của tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Plastic Pollution Coalition (tạm dịch: Liên minh Ô nhiễm Nhựa) và tổ chức từ thiện môi trường nước HOW Global. Ngoài ra, Lilly có một chiến dịch thu gom rác của bản thân là Lilly’s Plastic Pick Up. Chiến dịch bắt đầu từ năm 2015 khi Lilly được 7 tuổi.
7. HOLLY GILLIBRAND (Vương quốc Anh)
Holly Gillibrand rời trường học 1 giờ đồng hồ mỗi thứ Sáu để yêu cầu có hành động đối với biến đổi khí hậu. Holly sống tại Fort William, nơi có dân số chỉ tầm 10.000 người. Trong đó, khoảng 40 người cùng Holly tham gia cuộc phản đối vào thứ Sáu. Trả lời BBC, Holly cho biết: “Tôi muốn lãnh đạo Scotland có hành động nghiêm túc đối với biến đổi khí hậu và những gì họ đang làm sẽ phá hoại tương lai chúng tôi”.
Nguồn ảnh: Twitter, The Guardian, Huffpost, Getty Images, The Sun, Earth Day Network, BBC UK.