Một nghiên cứu cho thấy trung bình một ngày mỗi người sẽ đưa ra khoảng 2000 quyết định. Phần lớn chúng đều là những quyết định nhỏ nhặt theo bản năng và được tự động hóa, như việc mặc gì để đi làm vào mỗi buổi sáng hoặc có nên ăn trưa ngay lập tức hay không,… Nhưng nhiều quyết định trong một ngày của chúng ta cũng đáng để suy ngẫm và có khả năng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Quyết đoán đưa ra những quyết định sáng suốt được khẳng định là một thói quen quan trọng nhất mà mỗi cá nhân cần phát triển, đặc biệt là trong công việc của bản thân. Những lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn, những mối quan hệ, cách sử dụng quỹ thời gian và tổng hòa niềm hạnh phúc. Mỗi khi đứng trước một quyết định, đây là 6 điều mà bạn nên cẩn trọng loại trừ:
Quyết định khi mệt mỏi
Kể cả người năng động nhất cũng không có được nguồn năng lượng tinh thần vô tận. Khả năng xử lí nhiều công việc một lúc và đưa ra được quyết định thông minh sẽ vô cùng mong manh nếu chúng ta phải liên tục cố gắng. Theo một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất về đề tài này, các tù nhân sẽ dễ được tạm tha hơn nếu được xét xử vào buổi sáng, thay vì đợi người đã thấm mệt vào những buổi chiều. Với số lượng lớn những quyết định cần được đưa ra, đặc biệt là một vài điều trong số đó có sức ảnh hưởng đến người khác, việc quyết định trong trạng thái mệt mỏi là điều không thể tránh khỏi của mỗi chúng ta. Để đối phó với điều này, bạn nên xác định quyết định quan trọng nhất cần đưa ra, và thường xuyên nhất có thể, hãy ưu tiên lựa chọn những thời điểm mà mức năng lượng đạt cao nhất để để đưa ra những quyết định cho mình.
Quyết định trong tình trạng mất tập trung kéo dài
Cơn bão công nghệ của thập kỉ vừa qua đã mở ra một kỉ nguyên tiện nghi chưa từng có. Đồng thời, môi trường làm việc cũng tồn tại những luồng thông tin và truyền thông không giới hạn, dễ dàng khiến con người rơi vào tình trạng bị mất tập trung. Theo kết quả ước tính từ những nhà nghiên cứu, thông tin được xử lí bởi bộ não của ta đã nhiều gấp 5 lần so với năm 1986. Số liệu này chứng tỏ chúng ta tiếp nhận ngày càng nhiều hơn và điều này dẫn đến việc xao nhãng, khó tập trung vào một mục tiêu nhất định. Để khắc phục, chúng ta có thể dành ra một khoảng thời gian trong ngày để không phụ thuộc vào các thiết bị di động, tạm dừng việc kiểm tra liên tục hòm thư điện tử hay hóng hớt tin tức tràn lan.
Quyết định khi thiếu thông tin
Kellogg School gần đây đã phát hiện trong một buổi họp thông thường, trung bình sẽ có ba người thực sự tham gia vào cuộc trò chuyện ấy. Họ là những người hiếm hoi đã tìm hiểu đủ nhiều, suy nghĩ đủ sâu để đưa ra được ý tưởng và quyết định triển khai. Vì vậy, nội dung cuộc họp nên được phổ biến trước 24 giờ để mọi người có đủ thời gian nghiền ngẫm. Những buổi chia sẻ ý tưởng sau các cuộc họp 24 giờ cũng vô cùng cần thiết để những quyết định được đưa ra sẽ khách quan, toàn diện và đúng đắn.
Quyết định khi ôm đồm nhiều việc một lúc
Còn rất ít công việc không yêu cầu ở bạn khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Tuy nhiên, điều này theo nghiên cứu lại có thể làm giảm 40% hiệu suất, chỉ vì những quyết định không được tâm huyết đưa ra. Chính vì vậy, đơn tác vụ tức tập trung giải quyết từng việc một lần nên được ưu tiên áp dụng cho cách sắp xếp, giải quyết hàng loạt những vấn đề cùng lúc.
Quyết định dựa trên cảm xúc nhất thời
Nỗi thất vọng, sự phấn khích, cơn tức giận, niềm sướng vui,… ấy chính là hàng loạt cảm xúc trong ngày mà ta có thể cảm thấy. Bởi thế nên khi cảm xúc đã chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống, bạn vẫn có thể nhận ra mà không cần đến những nghiên cứu rằng sẽ không có quyết định sáng suốt nào được đưa ra khi dựa vào cảm xúc, đặc biệt là trong những cơn nóng giận mất khôn. Tập kiểm soát cảm xúc cá nhân và để tâm đến trạng thái tâm lý bằng việc đặt điện thoại xuống chính là những cách bạn có thể áp dụng để hạn chế những quyết định vội vàng.
Quyết định khi chưa phân tích
Thời đại công nghệ thông tin đã ban tặng con người nguồn thông tin, dữ liệu, số liệu khổng lồ và không giới hạn truy cập. Nhưng lượng thông tin càng lớn sẽ dẫn đến việc càng mất nhiều thời gian hơn để phân tích, loại bỏ nhiễu loạn và đưa ra quyết định cuối cùng. Lựa chọn sáng suốt nhất đó chính là đặt ra một thời hạn nhất định cho mỗi quyết định, không tham thông tin để tiện cho việc phân tích của mình.
Thực tế cuộc sống của bạn sẽ được định đoạt bởi những quyết định của bản thân. Chúng tác động lập tức vào cách chúng ta sử dụng quỹ thời gian và lựa chọn thông tin mà ta sẽ xử lí hoặc từ chối tiếp nhận. Con người vẫn sẽ không tránh khỏi việc đưa ra những quyết định sai mỗi ngày, nhưng tất cả sẽ được cải thiện nếu chúng ta nhận thức được 6 lí do này và tiến bộ dần trong việc giải quyết chúng.