Trong buổi Webinar “Leadership Mindset in difficult times” (Tư duy lãnh đạo trong thời điểm khó khăn) do Đại học RMIT tổ chức. Tham dự webinar Anh Huỳnh Công Thắng đã chia sẻ các câu chuyện về các cá nhân đã gặp phải khó khăn trong cuộc sống của họ và cách tư duy tích cực của họ. Hãy cùng nhìn lại các thông điệp và bài học mà anh Huỳnh Công Thắng đã chia sẻ trong buổi Webinar này nhé!
1. Bạn luôn có quyền được lựa chọn (Bế Thị Băng)
Câu chuyện đầu tiên mà chúng ta cùng tìm hiểu đó là câu chuyện về Hoa Hậu “Vầng Trăng Khuyết” – Bế Thị Băng.
Bế Thị Băng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở Cao Bằng, cô ấy lớn lên như bao cô gái khác. Nhưng vào năm Băng 24 tuổi, một biến cố đã xảy ra, Băng bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật, Băng bị sốc khi biết rằng vụ tai nạn xe đã cướp mất chân phải của cô ấy. Điều này dường như đã khiến cô gái trẻ rơi vào tuyệt vọng, khi mọi giấc mơ, hoài bão của tuổi trẻ như vỡ vụn trước mắt.
Tưởng chừng mọi cánh cửa đóng lại trước mắt mình, thế nhưng vào năm ngoái, Băng là người chiến thắng trong cuộc thi “Vầng trăng khuyết” bởi màn trình diễn thu hút của mình. Ngoài khiêu vũ, Băng còn biết bơi lội và cô ấy đang là một nha sĩ và đã kết hôn với một giáo sư người Đức. Hiện tại, chị Băng đã có phòng khám riêng và đang kinh doanh homestay ở Hà Nội.
Nói về khuyết điểm của mình, chị Băng chia sẻ: “Tôi nói với bản thân rằng dù chúng ta có tàn tật hay khỏe mạnh, chúng ta đều có quyền bình đẳng và có quyền tự tin vào bản thân mình”.
Chiến tranh, bệnh tật, tai nạn có thể là điều không ai trong chúng ta mong muốn, đó là điều chúng ta khó có thể làm chủ được. Điều duy nhất ta có thể làm chủ được là cách suy nghĩ, góc nhìn và cách phản ứng của bản thân.
2. Sẽ không một ai tin bạn nếu bạn không tin chính mình (Ritesh Agarwal)
Câu chuyện kế tiếp mà chúng ta đi tìm hiểu đó là câu chuyện về cuộc đời của người tỷ phú trẻ nhất Ấn Độ – Ritesh Agarwal – nhà sáng lập và giám đốc điều hành của chuỗi khách sạn lớn thứ 2 thế giới – khách sạn OYO.
Ritesh Agarwal được sinh ra tại thành phố Rayagada ở miền Đông Ấn Độ – thành phố nơi hầu hết mọi người kiếm được không quá 10 đô la mỗi ngày và 70% người dân ở đây sống dưới mức nghèo.
Năm 19 tuổi, anh quyết định bỏ học và đi “phượt” khắp Ấn Độ. Anh đã từng bị gia đình xem như một “con cừu đen” – nỗi xấu hổ của gia đình trong đó có các anh chị là kỹ sư và có 2 người nhận được bằng MBA. Ba Mẹ còn cho rằng Ritesh sẽ chỉ là một anh cắt cỏ thuê.
Tuy nhiên, chính thời gian đi du lịch anh đã trải nghiệm được dịch vụ khách sạn của Ấn Độ: phòng ốc bẩn thỉu, sơn tường bong tróc, gián bay khắp phòng và nước sinh hoạt phải tự hứng bằng xô. Nhìn thấy điều này đã khiến Ritesh Agarwal quyết định làm gì đó để thay đổi dịch vụ khách sạn của Ấn Độ. Nhờ đó OYO ra đời.
Ritesh đã nhận được quỹ học bổng Thiel với số tiền 100.000 đô la Mỹ trong vòng hai năm để sáng lập một công ty khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Ritesh đã kêu gọi đầu tư 25 triệu đô la Mỹ (khoảng 150 triệu Rupi) từ Quỹ Đầu tư Greenoaks (trụ sở tại San Francisco), và các quỹ đầu tư khác như quỹ Sequoia, quỹ DSG Consumer Partners và quỹ LightSpeed.
Niềm tin vốn là thứ khó có thể vay mượn, niềm tin vững vàng nhất chính là sự tin tưởng mà chúng ta dành cho bản thân. Chỉ khi chúng ta thực sự tin và theo đuổi những đam mê của mình tới cùng, thì khi đó chúng ta mới có thể thành công, giúp được mình và giúp được người.
Người ngoài thường dễ để nhận xét chúng ta không đủ giỏi, nhưng bạn không cần vì người khác mà nghi ngờ chính bản thân mình. Cách chúng ta suy nghĩ sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận và hành vi của mỗi người. Nếu bạn nghĩ mình là người thua cuộc, bạn sẽ cảm thấy mình luôn thất bại. Sau đó bạn sẽ hành động như những người thất bại, chính điều đó làm củng cố niềm tin rằng bạn chính là người thất bại.
Cho nên hãy lắng nghe niềm tin của bạn và cố gắng để đưa ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề, không ngừng học hỏi cho đến khi bạn thực sự làm được điều đó. Một khi bạn đã làm được, bạn sẽ có niềm tin để bắt đầu và làm lại thêm nhiều lần nữa. Chỉ khi bạn tin tưởng bản thân mình, người ta mới có lý do để tin tưởng bạn.
3. Nhìn vào thế giới thực tại thay vì thế giới trong mơ (Boyan Slat)
Câu chuyện thứ ba mà chúng ta đi tìm hiểu đó là câu chuyện về Boyan Slat – nhà phát minh người Hà Lan, nhà sáng lập và CEO của The Ocean CLeanup (một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu làm sạch rác đại dương).
Vào năm 16 tuổi, trong một lần lặn biển ở Hy Lạp, Slat đã phát hiện ra lượng rác trong đại dương còn nhiều hơn số lượng cá sinh sống. Thay vì phàn nàn và tức giận, Slat đã quyết định hình thành một dự án để điều tra chuyên sâu về ô nhiễm rác thải ở đại dương và tại sao con người không thể làm sạch đại dương. Sau này, Slat đã nảy ra một sáng kiến sử dụng lợi thế của dòng hải lưu để xây dựng một hệ thống tự động gom rác trên đại dương. Sau đó, Slat đã trình bày ý tưởng của mình ở diễn đàn TED xTalk tại Delft vào năm 2012.
Slat đã quyết định dừng hẳn việc học của mình tại TU Delft để dành toàn bộ thời gian cho việc phát triển ý tưởng. Năm 2013, Slat sáng lập tổ chức The Ocean Cleanup và không lâu sau đó, buổi diễn thuyết của Slat tại diễn đàn TED xTalk đã lan truyền nhanh chóng đến mọi người sau khi nó được chia sẻ rộng rãi tại nhiều trang mạng tin tức. Sau đó, Slat đã nhận được rất nhiều giải thưởng như: danh sách “30 người thành công dưới 30 tuổi” của Forbes năm 2016, Quán quân của giải thưởng vì Trái Đất của chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, vào năm 2018, Slat đã nhận được giải thưởng Nghệ thuật Quốc tế Leonardo da Vinci và Giải thưởng Euronews “Doanh nhân Châu Âu của năm”.
Hành động có sức mạnh hơn lời nói. Cho nên, khi bạn nhìn thấy một thế giới không tươi đẹp như bạn hằng ao ước, thay vì ngồi lo sợ hay chỉ nêu vấn đề, hãy đứng dậy và đi tìm giải pháp cho chúng.
4. Hãy dẫn đầu bằng cách làm gương cho người khác (Huỳnh Công Thắng)
Câu chuyện cuối cùng mà chúng ta cùng đi tìm hiểu trong ngày hôm nay là về anh Huỳnh Công Thắng – nhà sáng lập của Lead The Change về cách mà anh ấy đã dẫn dắt và truyền cảm hứng cho các thành viên trong tổ chức khi đại dịch Covid 19 diễn ra.
“Tôi tin rằng khi cuộc đời đưa cho bạn vài quả chanh, bạn có thể làm ra nước chanh…và tìm thêm một vài người mà cuộc đời đã đưa cho họ vodka hay whiskey, và sau đó chúng ta có thể mở một buổi tiệc.” – Anh Huỳnh Công Thắng chia sẻ.
Là một doanh nhân, anh Thắng đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong đại dịch do virus Corona gây ra. Tuy nhiên, thay vì ở nhà và lo lắng, anh đã chọn các việc làm mang tính khác biệt và có ý nghĩa đến cuộc sống của bản thân và những người khác.
Anh Thắng muốn xây dựng một nền văn hóa vững mạnh hơn, cải thiện bản thân và những người cùng đồng hành với anh. Anh đã tập thể dục đều đặn hơn, cùng đội ngũ thực hiện plank challenge. Kết quả là anh giảm được 5 kí và có nhiều cơ bắp hơn lúc trước. Mỗi ngày anh còn dành thời gian để thực hành thiền cùng các bạn. Nhờ đó các bạn có thể rèn luyện sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất để sẵn sàng “chiến đấu” trong giai đoạn khó khăn này.
Không chỉ vậy, trong một lần vô tình nhìn thấy một người đàn ông bán vé số đang bật khóc ở trên đường. Điều này khiến anh cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để vừa giúp đỡ các bạn trẻ, vừa giúp được những người đang gặp khó khăn như vậy. Anh nảy ra ý định thành lập dự án GIVE IT BACK – dựa trên mô hình Mentoring 1-on-1. Các bạn trẻ khi tham gia sẽ vừa có thể phát triển bản thân, vừa có thể đóng góp và giúp đỡ cho những mảnh đời đang vì Covid mà lao đao. Tính đến thời điểm hiện tại, GIVE IT BACK đã tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng những người đang giúp đỡ. Với tổng số 132 Mentor và 262 Mentee đăng ký tham gia với tổng số tiền quyên góp được là 120.000.000 VNĐ.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng là màu hồng và bằng phẳng như ta hằng mơ ước. Cuộc sống thực tế luôn đầy chông gai và thử thách chờ đợi và quan trọng nhất là khi gặp khó khăn, chúng ta không nên có các suy nghĩ bi quan, tiêu cực mà hãy suy nghĩ một cách lạc quan vì luôn có ánh sáng ở cuối đường hầm.
Đặc biệt, là những nhà lãnh đạo trẻ không nên bi quan, thất vọng trước các thử thách vì thử thách được xem là chất xúc tác để kích thích các nhà lãnh đạo trẻ không ngừng tìm ra các giải pháp để hoàn thiện và nâng cao năng lực và khả năng không chỉ của họ mà còn cả tổ chức mà họ đang lãnh đạo. Để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo trẻ cần bắt đầu với việc thấu hiểu được bản thân, từ đó xây dựng phong cách lãnh đạo phù hợp.
Đăng ký tham gia ngay workshop: KHÁM PHÁ VÀ ĐỊNH VỊ BẢN THÂN vào ngày 31/10 sắp tới nhé!