Sẽ chẳng học được gì, nếu chúng ta ở mãi một nơi, tiếp xúc mãi với một vài người quen thuộc, làm đi làm lại một công việc – không đổi mới cũng chẳng cải tiến.
Cảm thấy tay chân tê cứng khi bước lên sân khấu ở một buổi thuyết trình, cổ họng đột nhiên nghẽn lại khi nói chuyện với người lạ, hoặc toát mồ hôi khi đưa ra ý kiến trước đám đông, thậm chí lo ngại điều mình nói ra có thể sai.
Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng tương tự như vậy chưa?
Tôi tin chắc là ai cũng đã trải qua ít nhất một lần.
Bạn liệu còn nhớ những cảm xúc này chứ?
Ngột ngạt, bồn chồn, tim đập nhanh, lo lắng hay thậm chí tất cả những cảm xúc này?
Thường thì, cách đơn giản nhất để xua tan những cảm xúc, những sự khó chịu này đi là lảng tránh:
- “Hmm mình rõ là người hướng nội mà, mình chẳng giỏi trong việc giao tiếp, kết bạn đâu.”
- “Mình chỉ là thực tập sinh/ma mới thôi, thấp cổ bé họng như vậy ai thèm nghe mình nói cơ chứ, lạng quạng bị sếp ghét, bị tẩy chay, bị mất việc như chơi. Thôi yên phận, ai bảo gì làm đấy cho an lành hihi.”
- “Ờ, Public speaking hả, cũng cần thật đó, nhưng mà cái ngành mình học thì cần gì đâu chứ, mình cũng đâu có nhu cầu làm chính trị gia, làm diễn giả chuyên nghiệp. Thôi kệ!”
Thành thật đi, bạn có thấy bản thân mình trong đó không? Nếu có thì cũng không sao đâu, bạn không hề đơn độc, mà lại còn rất vui, vì xung quanh nhiều người chọn giống bạn lắm.
Nhưng liệu bạn có thắc mắc: số ít còn lại – họ phản ứng/ đối mặt thế nào trước những tình huống kể trên?
Rất đơn giản thôi, họ chọn đối diện với những tình huống này không chỉ một lần mà lần thứ 2, thứ 3, thứ 4,…, lần thứ n. Và dưới đây là bí quyết của họ:
1.Thành thật với bản thân
Bạn từ chối nhiệm vụ thuyết trình, phát biểu tại một hội nghị với lý do: Không có thời gian để chuẩn bị hay sự thật là chính bạn đang cảm thấy lo lắng khi phải bước lên sân khấu, đối diện với nhiều người? Bạn bỏ qua cơ hội ứng tuyển cho một chương trình trao đổi, đào tạo tại nước ngoài nào đó vì lý do: “Deadline gấp quá, nhà bao việc, học tập, thi cử các thứ, không có thời gian ứng tuyển đâu” hay sự thật là bạn sợ phải đối diện với chính mình: Tiếng Anh chưa tốt, lần đầu tiên ứng tuyển chưa có kinh nghiệm, kĩ năng không mấy nổi trội rồi cũng sẽ tạch thôi.
Hãy liệt kê những lý do mà bạn đưa ra để né tránh những tình huống nguy hiểm bên ngoài vùng an toàn. Đặt mình trong vị thế là một người ngoài cuộc, liệu lý do của bạn có thực sự chính đáng và thuyết phục không? Liệu nhiệm vụ trên có thể sẽ được hoàn thành nếu bản thân bạn cố gắng hơn một chút? Nỗi sợ thực sự trong bạn là gì? Và làm sao để bạn chinh phục nó? Mặc dù, câu trả lời sẽ mơ hồ đôi chút, nhưng bạn sẽ không bao giờ có thể vượt qua mà không thành thật với bản thân ngay từ đầu.
2. We suffer more from imagination than from reality – Lucius Annaeus Seneca
Chúng ta thường bế tắc với trí tưởng tượng của mình hơn là trong thực tế.
Chúng ta thường lãng phí thời gian với những nỗi sợ, lo lắng bên trong đầu mình hơn là cho mình một cơ hội, một niềm tin mạnh mẽ vào nội lực bản thân.Chúng ta thường lãng phí thời gian suy nghĩ về các thất bại trong quá khứ rồi lảng tránh hơn là tìm cách cải tiến cho sản phẩm của mình trong hiện tại.
Thực tế, chẳng có gì là thất bại nếu bạn tập trung vào thực tại, tin vào bản thân và quan trọng nhất là bắt tay vào làm!
Càng sợ càng cần tìm cho mình thật nhiều cơ hội để đối diện với nỗi sợ đó, chinh phục nó, đạp lên nó… và rồi… tiến đến với những nỗi sợ to hơn, hoành tráng hơn 😉
3. Quyết tâm thực hiện
Bước ra khỏi vùng an toàn thật sự không thoải mái chút nào. Ngay cả khi bạn đạt được một bàn chân ra ngoài rồi, không có sự quyết tâm, khả năng bạn rút chân lại và quay về “cái tổ êm ấm an toàn” của mình cũng rất lớn. Việc bạn cần làm là đặt ra cho mình mục tiêu lớn, rồi chẻ ra thành từng mục tiêu nhỏ và thực hiện nó hàng ngày, đừng quên kỷ luật bản thân, đây là chìa khóa tiến quyết cho bạn trong giai đoạn nước rút.
Ví dụ: Nếu bạn muốn phát triển kỹ năng “Nói nói trước công chúng”. Mỗi ngày hãy chuẩn bị và nói về một chủ đề trước lớp học hay bất kì nhóm bạn nào hoặc thậm chí chỉ có duy nhất một đứa bạn thân cũng được, miễn là nó sẵn sàng nghe bạn nói. Ngày đầu tiên, hãy cho phép bản thân được nhìn vào giấy ghi chú trong lúc chia sẻ. Đến ngày thứ ba, hãy thử thách bản thân, tìm một nhóm bạn lớn hơn – những người bạn không quen biết và quan trọng là không có bất cứ một tờ giấy ghi chú nào cả. Thử nghiêm túc thực hiện mà xem, bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên về kết quả.
4. The greatest in the world needs a coach – Atul Gawande
Người giỏi nhất trên thế giới cũng cần huấn luyện viên.
Chỉ có vận động viên mới cần huấn luyện viên. Nếu bạn tin tưởng như vậy, đây là lúc bạn nên thay đổi!
Atul Gawande – bác sĩ phẫu thuật và giáo sư y tế công cộng nói rằng huấn luyện viên tuyệt vời là đôi mắt và đôi tai tăng cường của bạn. Chi tiết bài nói của ông tại đây.
Họ cho bạn thấy một bức tranh cụ thể, sinh động và chính xác hơn về thực tế của bạn, giúp bạn nhận ra những vấn đề mà bạn đang gặp phải từ góc nhìn của người ngoài cuộc. Họ đặt câu hỏi đúng giúp bạn phân tích và xử lý các quyết định khó khăn.
Họ cho bạn nhìn thấy những tiềm năng, nội lực ẩn sâu bên trong mình mà bạn không hề nhìn thấy, hoặc bạn chẳng bao giờ dám tin. Là người luôn nhắc nhở bạn về các mục tiêu bạn đã đặt ra, nhắc nhở bạn tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng nhất, nhắc nhở bạn rằng bạn có thể nói không với những cơ hội khiến bạn mất tập trung vào mục tiêu và thử thách, động viên bạn trên con đường bước ra khỏi vùng an toàn.
Như bạn thấy đấy, hành trình bước ra khỏi vùng an toàn đâu có dễ dàng chút nào. Ngắn gọn thì bí quyết chỉ có 4 điều trên thôi, nhưng không phải ai biết công thức cũng có thể “nấu ăn” ngon cả. Lead The Change chúc bạn vững bước trên con đường phát triển bản thân, và đừng quên chúng tôi sẽ luôn ở đây, đồng hành cùng bạn.