Cùng Lead The Change điểm qua một số tin tức đáng chú ý hôm nay nhé:
- Lần thứ 4 cáp biển APG gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế lại ảnh hưởng
- Microsoft ngừng bán sản phẩm Huawei trên gian hàng trực tuyến
- Thế giới Di động đóng 11 cửa hàng điện thoại từ đầu năm
- Hàng trăm con sông trên thế giới bị ô nhiễm kháng sinh nặng
Lần thứ 4 cáp biển APG gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế lại ảnh hưởng
Cuối chiều qua 26/5/2019, tuyến cáp quang biển quốc tế APG lại gặp sự cố và đã gây ảnh hưởng đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Đây là thứ 4 trong năm nay tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố. Trước đó, liên tiếp trong 3 ngày 26, 27 và 28/2, 3 nhánh S1.9, S1.8 và S3 của tuyến cáp quang biển APG đã lần lượt gặp sự cố, sau đó được khắc phục trong tháng 3 và tháng 4.
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho VnEconomy biết, trong lần gặp sự cố này, vị trí lỗi cáp được xác định cách trạm cập bờ DNG (Đà Nẵng – PV) 132 km. Theo đó, với vị trí lỗi cáp ở khu vực trạm cập bờ DNG nên đã gây ảnh hưởng toàn bộ dung lượng trên tuyến APG kết nối tới Việt Nam.
“Hiện doanh nghiệp đang thu thập thông tin về nguyên nhân sửa chữa và quá trình khắc phục”, vị đại diện này cho biết.
Được biết Ban quản trị hệ thống cáp biển APG cũng đang tích cực xử lý tuy nhiên vẫn chưa có có dự kiến thời gian khắc phục xong sự cố.
Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.
Microsoft ngừng bán sản phẩm Huawei trên gian hàng trực tuyến
Gã công nghệ khổng lồ Microsoft của Mỹ mới đây đã gỡ bỏ các sản phẩm laptop của nhà sản xuất Trung Quốc Huawei khỏi trang bán hàng trực tuyến của mình. Tìm kiếm từ “Huawei” trên trang bán hàng của Microsoft không cho kết quả nào, còn các đường link dẫn tới những mẫu sản phẩm mới nhất của Huawei cũng báo lỗi, theo CNN.
Động thái của Microsoft được đưa ra sau khi Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen thương mại, cấm các doanh nghiệp Mỹ bán công nghệ và linh kiện cho công ty này. Cũng thêm lệnh cấm, Microsoft không thể cung cấp hệ điều hành Windows cho laptop của Huawei.
Tuần trước, nguồn tin của Bloomberg cho biết Google sắp “chia tay” Huawei khi ngừng cho phép công ty này sử dụng hệ điều hành Android để sử dụng trên các smartphone do công ty này sản xuất. Các nhà mạng di động hàng đầu tại Nhật Bản và Anh cũng đều hoãn việc ra mắt những dòng smartphone mới nhất của Huawei hoặc ngừng đặt mua thêm.
Việc bị Google và Microsoft cắt quan hệ khiến các thiết bị tiêu dùng của Huawei trở nên kém hấp dẫn đối với người dùng quốc tế, đặc biệt là smartphone.
Tuần trước, Huawei cho biết muốn tiếp tục sử dụng hệ sinh thái của Google và Microsoft, nhưng hãng này vẫn đang xây dựng hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng riêng để thay thế khi cần.
Tuy vậy, theo nhà phân tích của Canalys, một hệ điều hành mới “sẽ rất khó tiếp cận khách hàng”, chưa kể Huawei sẽ cần phải có một “hệ điều hành hoàn hảo” để giải quyết những vấn đề và quan ngại về an ninh xung quanh thương hiệu này.
Thế giới Di động đóng 11 cửa hàng điện thoại từ đầu năm 2019
Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động – MWG cho biết tính đến cuối tháng 4, công ty này đang vận hành và quản lý tổng cộng 2.324 cửa hàng với 3 chuỗi thegioididong.com, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh.
Liên tiếp cắt giảm cửa hàng điện thoại
Trong số cửa hàng và công ty đang vận hành này, chuỗi thegioididong.comvẫn dẫn đầu về số lượng khi có tới 1.021 cửa hàng, trong khi chuỗi Điện máy Xanh là 791 cửa hàng và Bách hóa Xanh là 512 cửa hàng.
Như vậy, chỉ trong tháng 4, chuỗi Điện máy Xanh đã tăng thêm 17 cửa hàng thông qua việc mở mới, và chuyển đổi từ chuỗi thegioididong.com. Còn chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh thậm chí đã tăng thêm tới 43 cửa hàng trong tháng 4.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất chính là việc Thế giới Di động tiếp tục cắt giảm số cửa hàng trong chuỗi thegioididong.com.
Trong tháng 4, ban lãnh đạo công ty đã cắt giảm 2 cửa hàng trong chuỗi này, nâng tổng số cửa hàng điện thoại phải đóng cửa từ đầu lên con số 11.
Nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có tới 51 cửa hàng điện thoại bị Thế giới Di động đóng cửa.
Điều này chưa từng xảy ra trước năm 2018 vì những năm trước đó, thegioididong.com luôn là động lực tăng trưởng chính của công ty và mang về nhiều doanh thu nhất cho Thế giới Di động.
Đà cắt giảm số cửa hàng cũng khiến tỷ trọng đóng góp doanh thu của chuỗi này cũng liên tục sụt giảm.
Hàng trăm con sông trên thế giới bị ô nhiễm kháng sinh nặng
Từ sông Thames đến Tigris, nồng độ kháng sinh ở các con sông đang ở mức đáng báo động, dẫn đến nguy cơ vi khuẩn ở môi trường này phát triển khả năng kháng thuốc nguy hiểm.
Ô nhiễm kháng sinh là một trong những con đường chính mà vi khuẩn có thể phát triển khả năng kháng thuốc nguy hiểm, khiến thuốc trở nên không còn hiệu quả khi sử dụng cho con người, theo Guardian.
“Rất nhiều trong số những gen kháng thuốc mà chúng ta thấy ở bản đồ gen người có nguồn gốc từ các vi khuẩn môi trường”, giáo sư William Gaze, nhà sinh thái học vi sinh tại Đại học Exeter, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực kháng thuốc kháng sinh, cho biết.
Có thể gây ra cái chết của 10 triệu người
Sự gia tăng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, và có thể giết chết 10 triệu người vào năm 2050, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc trong tháng trước.
Những chất kháng sinh này xuất hiện ở sông ngòi và trong đất đai qua đường chất thải sinh hoạt của con người, động vật cũng như chất thải công nghiệp từ các nhà máy sản xuất thuốc men.
Nghiên cứu này được công bố hôm 27/5 trong hội thảo diễn ra tại Helsinki, cho thấy một loạt con sông nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm cả sông Thames ở London, xuất hiện dư lượng những loại kháng sinh dùng điều trị các vết nhiễm trùng nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, dư lượng kháng sinh ở các con sông được phát hiện ở mức độ không an toàn, nghĩa là việc kháng kháng sinh có khả năng phát triển và lan rộng.
Các mẫu nước được lấy từ sông Danube đoạn chảy qua Áo cho thấy sự xuất hiện của 7 loại kháng sinh, bao gồm clarithtomycin, vốn được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi và viêm phế quản. Nồng độ của chất này cao gấp 4 lần mức an toàn.
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu thí nghiệm tại 711 địa điểm ở 72 quốc gia, và tìm thấy kháng sinh ở 65% trong số những mẫu nước này. Trong 111 địa điểm, nồng độ kháng sinh vượt quá mức cho phép, với trường hợp nặng nhất là 300 lần giới hạn an toàn.
Việc xử lý nước thải và chất thải không hợp lý rồi đổ thẳng xuống sông, như được phát hiện tại một địa điểm ở Kenya, cũng dẫn đến nồng độ kháng sinh cao gấp 100 lần mức an toàn.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch đánh giá tác động môi trường của ô nhiễm kháng sinh với sinh vật ở các con sông, bao gồm cá, các loài không xương sống và tảo.
Họ cho rằng những tác động này là rất nghiêm trọng. Nồng độ kháng sinh ở một số sông tại Kenya cao tới mức không có con cá nào có thể sống sót.